Quy định ba thời điểm đặc xá
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản tán thành với các quan điểm, định hướng xây dựng dự án Luật, cho rằng đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định đối với người bị kết án phạt tù, do đó các quy định về đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản so với các chính sách khoan hồng khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện. Tính chất đặc biệt này phải được thể hiện ở các nội dung chủ yếu là thẩm quyền, thời điểm, điều kiện, trình tự, thủ tục đặc xá.
|
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga |
Về thời điểm đặc xá, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định ba thời điểm đặc xá gồm nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước.
Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt); đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2/9, ngày Tết Nguyên đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4. Có ý kiến đề nghị làm rõ sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào; căn cứ, mức độ nào để xác định sự kiện trọng đại của đất nước.
Về ý kiến của ĐBQH đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật “sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào," Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các sự kiện trọng đại của đất nước diễn ra trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, rất đa dạng, do đó nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật có thể sẽ không bao quát hết.
"Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ ba thời điểm đặc xá như Luật hiện hành; không quy định thời điểm, tần suất đặc xá và không liệt kê cụ thể các sự kiện trọng đại của đất nước, mà giao Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết khi trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật.
Lợi dụng kễ hở để lách luật
Về điều kiện đặc xá tại Điều 11, ĐBQH Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) lưu ý một số quan điểm như sau: Tại khoản 2 quy định Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định thuộc một trong các trường hợp, như đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù. Người có công với cách mạng, người từ đủ 70 tuổi trở lên, người phạm tội là người dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, dự thảo luật không giới hạn thời gian chấp hành án ít nhất là bao lâu. Để bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện thống nhất, tránh đề xuất để khó tùy nghi, không đảm bảo sự công bằng.
|
|
ĐBQH Phạm Thị Thu Trang, đoàn Quảng Ngãi |
Ngoài ra, tại điểm c khoản 2 người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân được, không còn nguy hiểm cho xã hội, có kết luận giám định y khoa xác nhận bệnh căn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền và quy định chủ thể xác nhận về tình trạng bệnh tật như dự thảo là quá rộng. Thực hiện dễ dàng do đó khó đảm bảo tính khách quan, sẽ bị lợi dụng kẽ hở để lách luật, chạy giấy xác nhận về tình trạng bệnh tật và kết luận giám định để được hoãn tạm đình chỉ, chấp hành án đặc xá, như vấn đề chạy án tâm thần để thoát án tù như các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ Y tế trong phiên chất vấn vừa qua.
Tại điểm i khoản 2 Điều 11 dự thảo cũng có quy định trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định theo đề nghị của Chính phủ. Đại biểu đề nghị không quy định nội dung này vì việc đặc xá thi hành án hình sự phải rõ ràng, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật hình sự, sự công bằng của mỗi người đối với pháp luật. Mặt khác, cũng có quy định đặc xá trong trường hợp đặc biệt về đối nội, đối ngoại và hình thức tha tù trước thời hạn của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Kháng nghị với những hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất nghiêm trọng
|
|
ĐBQH Lê Xuân Thân, đoàn Khánh Hoà |
Cho ý kiến về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) cho rằng: Trong dự thảo lần này Ban soạn thảo đã tiếp thu những góp ý lần trước và xác định rõ vai trò của VKSND trong việc kiểm sát các hoạt động để thực hiện việc đặc xá nhưng thể hiện chưa rõ nét. Đại biểu đề nghị xác định rõ thêm, vì tại khoản 3 Điều 30 và khoản 2 Điều 38 dự thảo, khi tham gia kiểm sát việc lập hồ sơ xem xét đặc xá Viện kiểm sát chỉ có quyền yêu cầu và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền. Theo đại biểu, Viện kiểm sát đã tham gia vào hoạt động kiểm sát, theo Điều 5 Luật Tổ chức VKSND thì Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị và kiến nghị, kháng nghị đối với những hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất nghiêm trọng và kiến nghị đối với những hành vi vi phạm pháp luật mang tính chất ít nghiêm trọng. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sau khi Viện kiểm sát tham gia kiểm sát thì bỏ từ "yêu cầu" và thay vào đó bổ sung rõ 2 thẩm quyền của Viện kiểm sát là kháng nghị và kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng tình với ý kiến của ĐBQH Lê Xuân Thân đoàn Khánh Hòa, ĐBQH Phạm Đình Cúc của đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh: Trong quy định của Luật Đặc xá có quy định trách nhiệm của Tòa án, trách nhiệm của VKSND. Trách nhiệm của VKSND trong việc đặc xá thì trực tiếp kiểm sát hồ sơ đề nghị đặc xá và thực hiện quyết định đặc xá Chủ tịch nước tại các trại giam của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trại tạm giam của công an tỉnh. Qua ý kiến đó đại biểu đồng tình và thống nhất với ý kiến của đại biểu Thân cần bổ sung vai trò của VKSND, trong đó có việc kiểm sát không những kiến nghị mà nếu vi phạm nghiêm trọng thì phải có quyền kháng nghị. Từ việc đề nghị như vậy, tại Điều 38 về thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại thì phải đưa vai trò của Viện kiểm sát vào trong Điều 38.
Xuân Hưng