leftcenterrightdel
 Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Đồng chí Tăng Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, VKSND tối cao (Vụ 15): Đổi mới công tác đánh giá cán bộ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả

Có thể nói, trong những năm qua, công tác bổ nhiệm cán bộ trong ngành KSND được thực hiện thận trọng, từ khâu rà soát, đánh giá cán bộ đến việc thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ đảm bảo chọn đúng người để giao việc, người được bổ nhiệm không chỉ đáp ứng tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, mà còn phải là người có trách nhiệm, công tâm, công bằng trong ứng xử.

Đáng nói, công tác điều động, chuyển đổi, biệt phái cán bộ trong thời gian qua đã được Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tối cao quan tâm chỉ đạo và đã thực hiện rất hiệu quả, giúp cho các đơn vị vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa đào tạo, rèn luyện cán bộ dài hạn toàn diện hơn. Hiệu quả công tác phòng ngừa cán bộ để xảy ra tiêu cực tốt hơn, số cán bộ vi phạm ít hơn...

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự Đại hội thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trước yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra cho ngành KSND như: Tiếp tục tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39-NQ/TW, đồng thời phải đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng thêm theo quy định mới của các đạo luật về tư pháp; yêu cầu về nâng cao chất lượng THQCT và KSHĐTP, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; công tác xây dựng ngành phải đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…,  đòi hỏi công tác tổ chức cán bộ cần có những giải pháp đổi mới để đáp ứng những yêu cầu đặt ra.

Do đó, trong thời gian tới, công tác cán bộ ngành KSND sẽ tập trung vào một số giải pháp cơ bản như:

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tính tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện toàn diện của đội ngũ cán bộ ngành KSND. Đặc biệt, khi có vi phạm xảy ra ở đơn vị thì căn cứ hậu quả hành vi vi phạm của cấp dưới để xác định tính chịu trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý và các hình thức xử lý cụ thể. Có như vậy mới xây dựng được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm.

leftcenterrightdel
Đồng chí Tăng Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. 

Thực hiện tốt công tác tuyển dụng, bố trí cán bộ nhằm thu hút, lựa chọn, tuyển dụng được người tài, đức, tiêu biểu làm nền tảng xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh cho Ngành. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ theo mô hình công vụ, vị trí việc làm, quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn công chức, viên chức để làm cơ sở đổi mới công tác tuyển dụng. Công khai, minh bạch quy trình tuyển dụng; đổi mới hình thức thi tuyển công chức để bảo đảm chọn được người phù hợp với công việc cần tuyển...

Bên cạnh đó, đổi mới công tác đánh giá cán bộ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đánh giá cán bộ; đẩy mạnh công tác luân chuyển, biệt phái cán bộ cũng như kiện toàn, nâng cao chất lượng cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ của ngành KSND...

Đồng chí Nguyễn Mạnh Thường, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5): Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng trong việc giải quyết các vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản thất thoát

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án, vụ việc về tham nhũng, chức vụ của VKSND tối cao đã có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo tổng kết của Ban Nội chính Trung ương, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, các cơ quan tố tụng đã điều tra, truy tố  xét xử sơ thẩm 62 vụ án/598 bị cáo, trong đó có nhiều bị cáo nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị và nhiều sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang. Đã thu giữ, tạm giữ, kê biên phong toả, ngăn chặn giao dịch trị giá trên 50 nghìn tỉ đồng.  Trong đó, riêng đơn vị Vụ 5 VKSND tối cao đã trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 58/365 bị can, Toà án đã xét xử sơ thẩm 55 vụ án/326 bị cáo.

Đặc biệt, trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, ngay từ đầu,  việc kê biên tài sản để thu hồi là yêu cầu đặt ra bên cạnh việc thu thập tài liệu, chứng cức để chứng minh hành vi sai phạm của các bị can, bị cáo. Nhất là việc xác định thiệt hại, VKSND tối cao đã tham mưu, đề xuất Ban chỉ đạo TW về Phòng chống tham nhũng về việc xác định thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án, bởi giá trị tài sản từ khi bị can thực hiện đến khi bị phát hiện khởi tố có nhiều biến động, thường tăng lên. Để có được kết quả đáng ghi nhận trong thời gian qua, là do các yếu tố

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Mạnh Thường, Phó Vụ trưởng Vụ 5.

Thứ nhất là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng VKSND tối cao đã tập trung chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp và lãnh đạo cấp trên để điều tra mở rộng các vụ án, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, đúng pháp luật, đúng bản chất vụ việc.

Thứ hai là quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng trong việc giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ, quán triệt triển khai các Chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao và các chỉ thị chuyên đề của Ngành, thấm nhuần nguyên tắc “không có vùng cấm”, “không ngoại lệ”, “rõ đến đâu xử lý đến đó”, đảm bảo công bằng, khách quan, không bỏ lọt tội phạm, không xảy ra oan sai.

Thứ ba về phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, nhận diện tính chất “đặc biệt” của tội phạm tham nhũng,  công tác lãnh đạo của Thủ trưởng đơn vị và Lãnh đạo Viện phụ trách đã thường xuyên tăng cường, coi trọng, lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc và trực tiếp chỉ đạo công tác nghiệp vụ, phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng và phù hợp với năng lực, sở trường, gắn trách nhiệm của người quản lý cấp Vụ đến cấp phòng, các chức danh Kiểm sát viên theo mô hình Phó Vụ trưởng là thụ lý chính, là Tổ trưởng Tổ án , các KSV được phân công phối hợp theo nhóm.  Vụ trưởng, Bí thư Chi bộ tăng cường nghe án để nắm bắt tiến độ, khó khắn, vướng mắc trong giải quyết để cho ý kiến chỉ đạo, kịp thời báo cáo, đề xuất với cấp trên để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nếu có.

Thứ tư về đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, Ban cán sự Đảng VKSND tối cao đã ban hành Nghị quyết về việc điều động KSV đang công tác tại VKSND cấp tỉnh đến VKSND tối cao làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án tại VKSND tối cao và ngược lại biệt phái các KSV của VKSND tối cao đến thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với vụ án . Do vậy, KSV đã chủ động tham gia cùng điều tra viên trực tiếp hỏi cung bị can, làm rõ và bám sát nội dung vụ án.

Thứ năm là công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác cán bộ, Chi bộ Vụ 5 đã triển khai quán triệt các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng để quản lý, giáo dục cán bộ đảng viên trong công tác chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Bảo vệ pháp luật: Cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân trong tình hình mới

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Bảo vệ pháp luật tham luận tại Đại hội.

Trong tham luận của Đảng bộ Báo Bảo vệ pháp luật tại Đại hội đại biểu Đảng bộ VKSND tối cao ngày 26/8/2020, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập đề cập đến nội dung “Công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân trong tình hình mới”.

Trình bày tham luận tại Đại hội, đồng chí Bí thư Đảng ủy Báo BVPL đã phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn để thấy vai trò thiết yếu của công tác tuyên truyền - Một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. 

Theo đó, đồng chí Nguyễn Văn Thắng nêu rõ: Nhận thức rõ được vai trò của công tác tuyên truyền, trong thời gian qua, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đã quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, tuyển dụng, đào tạo, bổ sung nhân sự, đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật cho hoạt động của các cơ quan báo chí và đội ngũ làm công tác tuyên truyền trong Ngành KSND.

Một điểm nhấn quan trọng là, ngày 23/8/2012, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 05/CT-VKSTC về một số biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền trong ngành Kiểm sát nhân dân. Thực hiện Chỉ thị 05, Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền Ngành được thành lập, do một đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao làm trưởng ban. Theo đó, nhiều đơn vị thuộc VKSND đã thành lập các tổ, đội tuyên truyền để thực hiện nhiệm vụ.

Trong giai đoạn 2015-2020, các cơ quan báo chí và các đơn vị tuyên truyền trong ngành Kiểm sát nhân dân đã bám sát vào các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền sâu rộng về chức năng, nhiệm vụ của VKSND theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hiện có hơn 120 cán bộ, phóng viên, biên tập viên thuộc các cơ quan báo chí của VKSND tối cao và số lượng lớn cán bộ kiêm nhiệm làm công tác tuyên truyền tại các đơn vị thuộc VKSND.

Các cơ quan báo chí của VKSND tối cao đã có sự đổi mới mạnh mẽ, với nhiều cách làm sáng tạo, nhằm tuyên truyền sâu rộng về chức năng, nhiệm vụ của VKSND; tuyên truyền, giới thiệu những hình ảnh đẹp của cán bộ, kiểm sát viên tới công chúng báo chí.

Trong đó, Tạp chí Kiểm sát đã tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tối cao ban hành Kế hoạch trọng tâm công tác tuyên truyền; hàng năm tổ chức các hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền. Đặc biệt, Tạp chí Kiểm sát đã hoàn thành tốt nhiệm vụ làm đầu mối phối hợp với Trung tâm sản xuất phim truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng bộ phim “Sinh tử”. Bộ phim dài tập được phát sóng đã tạo được sức lan tỏa tốt.  Hình ảnh và hoạt động của Viện kiểm sát, của Kiểm sát viên được khắc họa đậm nét. Qua đó, khán giả có sự nhìn nhận sâu sắc, toàn diện hơn về vai trò của VKSND trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng, chức vụ.

Đối với Báo Bảo vệ pháp luật (BVPL), hàng năm, căn cứ vào Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao cùng chương trình trọng tâm công tác của Ngành và định hướng công tác tuyên truyền hàng tuần của Ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ủy phối hợp với Lãnh đạo đơn vị chỉ đạo xây dựng kế hoạch tuyên truyền, xuất bản các ấn phẩm của Báo BVPL bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời, khách quan.

Trong đó, Báo in BVPL được đầu tư đổi mới hình thức, bổ sung chuyên trang, chuyên mục mang bản sắc riêng của ngành Kiểm sát, chất lượng nội dung ngày càng được nâng lên. Số lượng tin, bài về Ngành chiếm 75% tổng số tin bài đăng trên các ấn phẩm báo in.

Báo điện tử BVPL ngày càng đổi mới, được đầu tư công phu, cập nhật hàng giờ thông tin thời sự chính trị, pháp luật, kinh tế - xã hội, nhất là tuyên truyền về thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân. Số lượng tin, bài được đăng tải trên Báo điện tử Bảo vệ pháp luật tăng cao: Năm 2015: 7.746 tin, bài; Năm 2019 tăng lên 14.257 tin, bài (tăng 184% so với năm 2015). Tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Báo BVPL đã đăng tải trên 3.500 tin, bài, ảnh, clip truyền hình về ngành Kiểm sát nhân dân.

Đặc biệt, trong thời gian tháng 4-6/2020, Báo đã đăng tải hàng loạt bài báo, với sự tham gia của nhiều chuyên gia pháp luật, nhằm góp phần tạo sự đồng thuận khi Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 xem xét, thông qua Dự thảo Luật giám định tư pháp, bổ sung quy định: Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Cùng với đó, Báo BVPL mở diễn đàn đăng tải hàng chục bài báo, phỏng vấn nhiều đại biểu Quốc hội, các luật sư, chuyên gia pháp luật, khẳng định sự cần thiết, có căn cứ, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật của Viện trưởng VKSND tối cao khi kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ uy tín, danh dự của VKSND tối cao.

Cũng trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thực hiện Quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao giao, Báo đã tổ chức nhiều sự kiện toàn Ngành, như: Giải thể thao Ngành Kiểm sát nhân dân; Cuộc thi viết sáng tác ca khúc về ngành Kiểm sát nhân dân; Cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên”.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, Viện trưởng VKSND tối cao đã giao cho Báo BVPL tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 60 năm ngành Kiểm sát nhân dân”, thi viết “Chân dung cán bộ Kiểm sát và Bản lĩnh Kiểm sát viên”. Hai cuộc thi, được coi là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa tuyên truyền, cổ vũ, động viên các phong trào thi đua trong ngành Kiểm sát; giới thiệu và nhân rộng các điển hình tiên tiến, những cách làm hay, thực chất, hiệu quả về chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND.

Để công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong tình hình mới, Bí thư Đảng ủy Báo Bảo vệ pháp luật Nguyễn Văn Thắng đề xuất một số giải pháp như sau:

Một là, cần sớm tổng kết, đánh giá 8 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Viện trưởng VKSND tối cao về một số biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền trong ngành Kiểm sát nhân dân. Theo đó, đề xuất sửa đổi quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao theo hướng mở rộng thành viên Ban chỉ đạo theo hướng bổ sung thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao là thành viên Ban chỉ đạo, với phương châm: công tác tuyên truyền là nhiệm vụ của cấp ủy các cấp trong ngành Kiểm sát nhân dân. (Hiện nay theo Quyết định số 128 của Viện trưởng VKSND tối cao, thành viên Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân chỉ có thủ trưởng 8 đơn vị thuộc VKSND tối cao, trong khi nhiều vụ, đơn vị quan trọng chưa tham gia Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền là chưa phù hợp với yêu cầu của công tác tuyên truyền trong tình hình mới).

Hai là, đề nghị VKSND tối cao xem xét, có kế hoạch sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 596/QĐ-VKSTC của VKSND tối cao về Quy định phối hợp cung cấp thông tin tuyên truyền giữa các cơ quan, đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân. Qua đó, đánh giá những kết quả làm được để phát huy, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, để công tác tuyên truyền về ngành Kiểm sát nhân dân đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.

Ba là, cần đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phù hợp cho các cơ quan báo chí của VKSND tối cao, quan tâm phát triển báo điện tử qua mạng xã hội, lập các fanpage, các nhóm trong ngành Kiểm sát nhân dân, tạo diễn đàn để trao đổi nghiệp vụ, đồng thời tham gia “bút chiến” với thông tin xấu, độc, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bốn là, năm 2021 sẽ tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ VKSND tối cao lần thứ XXV, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ khối các cơ quan Trung ương và Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đề nghị Đảng ủy VKSND tối cao xem xét có nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân trong tình hình mới.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao: Đấu tranh chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp nhằm đảm bảo sự trong sạch, vững mạnh của các cơ quan tư pháp

Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, Ban Chấp hành Đảng bộ và tập thể lãnh đạo Cục 1 đã triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm, tập trung tăng tỷ lệ pháp hiện, khởi tố các vụ án tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, đặc biệt là Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác điều tra của Cơ quan điều tra của VKSND tối cao.

Với việc kiện toàn bộ máy tổ chức, thành lập Phòng Điều tra tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Phòng 6), Cục 1 đã xây dựng và tổ chức lực lượng chuyên trách đấu tranh với loại tội phạm này.

leftcenterrightdel
 Ban chấp hành Đảng bộ Cơ quan điều tra VKSND tối cao nhiệm kỳ 2020-2025. 

Đặc biệt, thông qua hoạt động điều tra, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã chú trọng công tác phát hiện, tìm ra nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm, tội phạm để ban hành kiến nghị yêu cầu cơ quan có liên quan khắc phục và có biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm, tổng hợp các dạng vi phạm phổ biến, điển hình trong từng lĩnh vực của từng ngành tư pháp để tham mưu lãnh đạo VKSND tối cao ký ban hành 3 kiến nghị tổng hợp gửi các cơ quan liên quan, được các Ngành tiếp thu chỉ đạo, quán triệt thực hiện trong toàn Ngành.

Với những kết quả hoạt động của Cơ quan điều tra trong thời gian qua, đã góp phần quan trọng để VKSND thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, trở thành công cụ đắc lực, góp phần vào sức mạnh chung của toàn Ngành trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của các cơ quan tư pháp, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân, dư luận đánh giá cao.

Đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ THQCT và KSXX án hình sự (Vụ 7): Tập trung đẩy mạnh việc kiểm sát bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án, phát hiện sớm vi phạm pháp luật

Trong thời gian qua, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Vụ 7 đã có những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo như: Chỉ đạo đơn vị xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự.

Đổi mới công tác quản lý, điều hành, cải tiến phương pháp, lề lối làm việc theo hướng phân công, phân cấp và đề cao trách nhiệm của lãnh đạo Vụ, cán bộ quản lý cấp phòng trong việc nắm bắt, kiểm tra đôn đốc và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng giải quyết án, giải quyết đơn thuộc phạm vi được phân công. Áp dụng cơ chế giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo thủ tục rút gọn đối với một số vụ án có đủ điều kiện; thực hiện cơ chế Lãnh đạo Viện duyệt án thông qua báo cáo của đơn vị để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hồ Đức Anh, Vụ trưởng Vụ 7.

Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh việc kiểm sát bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án, phát hiện sớm vi phạm pháp luật (nếu có) và kiên quyết kháng nghị. Ban hành quy trình kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án để áp dụng thống nhất trong đơn vị.

Đặc biệt, luôn chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan, VKS cấp dưới để tăng cường hiệu quả, chất lượng giải quyết án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, án tử hình và giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong tố tụng hình sự hình sự thuộc trách nhiệm của Ngành.

Qua đó, đơn vị đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể như trong công tác thụ lý, giải quyết án hình sự, chủ trì, phối hợp với liên ngành Trung ương xác minh làm rõ căn cứ để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nhiều vụ án phức tạp, nghiêm trọng, dư luận quan tâm. Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Công an, TAND tối cao xác minh, giải quyết đơn xin ân giảm án tử hình đối với một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có đơn kêu oan, phức tạp, kéo dài, dư luận quan tâm.

Thông qua hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự, đơn vị đã kịp thời phát hiện vi phạm và ban hành kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục, chấn chỉnh, phòng ngừa, bảo đảm pháp chế trong hoạt động tư pháp hoàn thành vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu của Nghị quyết 37, Nghị quyết số 111 của Quốc hội.

Đồng chí Lại Viết Quang, Hiệu trưởng trường Đại học Kiểm sát Hà Nội: Tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành KSND trong thời kỳ hội nhập

Tính đến nay, trường đã tuyển sinh và đào tạo 7 khoá đại học, với gần 2.300 sinh viên. Thực tiễn cho thấy kỹ năng, thái độ của sinh viên đáp ứng được yêu cầu công việc, thái độ làm việc nghiêm túc, tiếp cận công tác chuyên môn, nghiệp vụ kiểm sát nhanh. Để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của ngành KSND trong bối cảnh hội nhập quốc tế, yêu cầu đối với công tác tuyển sinh đào tạo của trường phải tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện, với các giải pháp.

leftcenterrightdel
Ban chấp hành Đảng bộ trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025. 

Trong đó, cần tăng tường sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng và Đảng uỷ VKSND tối cao, sự quản lý của VKSND tối cao đối với công tác giáo dục đại học của trường. Thời gian tới VKSND tối cao cần có Nghị quyết về chiến lược công tác đào tạo của Ngành, của trường để làm nền tảng, định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó cần quán triệt Nghị quyết về đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, Ban lãnh đạo nhà trường sẽ đổi mới đồng bộ các yếu tố căn bản trong công tác giáo dục của trường: Công tác tuyển sinh; chương trình đào tạo; công tác giáo trình; phương pháp giảng dạy; nghiên cứu khoa học; phát triển đội ngũ giảng viên; đánh giá người học và hợp tác quốc tế.

Nhóm PV