Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo, công chức một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; các VKSND cấp cao; Viện kiểm sát quân sự các cấp; lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên các phòng nghiệp vụ giải quyết án hình sự VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; VKSND cấp huyện…
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại trụ sở VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn ngành KSND.
|
|
Đồng chí Mai Trung Thành, Vụ trưởng Vụ 1, VKSND tối cao phát biểu khai mạc, điều hành tham luận tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị, sau khi đồng chí Mai Trung Thành, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 1), VKSND tối cao phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Thị Kiều Nga, Phó Vụ trưởng Vụ 1 đã trình bày chuyên đề kỹ năng, kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh.
|
|
Đồng chí Lê Thị Kiều Nga, Phó Vụ trưởng Vụ 1, VKSND tối cao trình bày chuyên đề về giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh. |
Theo đó, trong 3 năm qua (2020-2022), toàn quốc đã phát hiện, khởi tố 771 vụ án liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh. Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, rất ít các địa phương xử lý hình sự về các hành vi phạm tội liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, trước nguy cơ lây lan dịch, hoạt động xuất, nhập cảnh diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, quy mô, tính chất, thủ đoạn, đòi hỏi phải xử lý hình sự để thể hiện sự nghiêm minh và góp phần vào công tác phòng chống dịch.
Qua việc giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh cho thấy, một số phương thức, thủ đoạn phạm tội đó là: Lợi dụng chính sách mở rộng hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, hợp tác đầu tư, kinh doanh với nước ngoài; lợi dụng hoạt động du lịch để tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép hoặc trốn đi nước ngoài; làm giả giấy tờ, tài liệu, làm giả con dấu (đặc biệt trong giai đoạn phòng, chống đại dịch COVID-19 để thực hiện hành vi phạm tội); tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép hoặc trốn đi nước ngoài qua đường mòn, lối mở; sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber, Meseger, Webchat, Telegram… sử dụng sim rác, tài khoản ngân hàng khi thực hiện hành vi phạm tội; móc nối với các cán bộ cơ quan chức năng nhà nước có thẩm quyền để thực hiện hành vi phạm tội…
Tiếp đó, đồng chí Khuất Hữu Ánh, Phó Vụ trưởng Vụ 1, VKSND tối cao đã trình bày chuyên đề về kỹ năng, kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ.
|
|
Đồng chí Khuất Hữu Ánh, Phó Vụ trưởng Vụ 1, VKSND tối cao trình bày chuyên đề về kỹ năng, kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ. |
Theo đó, Kiểm sát viên được phân công THQCT, kiểm sát việc giải quyết các vụ án về vũ khí, vật liệu nổ cần thực hiện đúng quy định của pháp luật, quy định của Ngành; nắm vững các kỹ năng THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại Quy chế công tác THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm theo Quyết định 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao) (Quy chế 111); Quy chế công tác THQCT, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao) (Quy chế 505) và các hướng dẫn khác của ngành KSND.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, Viện kiểm sát một số địa phương đã trình bày tham luận nêu lên những khó khăn, vướng mắc; những kỹ năng và kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh và vũ khí, vật liệu nổ thời gian qua; đồng thời nêu lên những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này của ngành KSND trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, sau một buổi sáng tổ chức, Hội nghị tập huấn toàn ngành Kiểm sát về kỹ năng, kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý vũ khí, vật liệu nổ đã đảm bảo được chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác THQCT, kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến các hoạt động này.
|
|
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng hoan nghênh và đánh giá cao sự chuẩn bị tài liệu tập huấn của Vụ 1, VKSND tối cao và các đơn vị VKSND tỉnh, thành phố; tài liệu tập huấn của Vụ 1 cũng như tham luận của các đơn vị thể hiện tinh thần trách nhiệm, có chất lượng, nội dung gắn với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu.
Đồng thời, việc tổ chức Hội nghị tập huấn có ý nghĩa quan trọng, kịp thời tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nhận thức và áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh và quản lý vũ khí, vật liệu nổ.
Qua nghe 2 báo cáo chuyên đề của Vụ 1 và tham luận của các đơn vị, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng cho rằng, thực tiễn công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm liên quan động xuất cảnh, nhập cảnh, vũ khí, vật liệu nổ trong 3 năm qua trên toàn quốc ngày càng gia tăng về số lượng; tính chất, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, phức tạp; thủ đoạn phạm tội tinh vi, đối tượng phạm tội thường sử dụng các trang mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội và tội phạm xảy ra tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước; đặc biệt là đối với loại tội phạm liên quan đến lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra.
Đề cập đến thực tiễn giải quyết các loại án này trong giai đoạn hiện nay và những khó khăn, vướng mắc trong việc nhận thức và áp dụng pháp luật cũng như nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng đề nghị thủ trưởng một số đơn vị thuộc VKSND tối cao, các VKSND cấp cao; VKSND các tỉnh, thành phố thời gian tới nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:
Thứ nhất: Nghiên cứu kỹ tài liệu của Hội nghị để triển khai, quán triệt những tài liệu, nội dung Hội nghị tập huấn đến toàn thể Kiểm sát viên, Kiểm tra viên làm công tác THQCT, kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, vũ khí, vật liệu nổ, để có sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng quy định pháp luật khi giải quyết các loại án này.
Thứ hai: Trong quá trình THQCT, kiểm sát việc giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, Kiểm sát viên cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật, của Ngành; nắm vững kỹ năng THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tại các Quy chế số 111 (ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao); Quy chế số 505 (ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao) và các hướng dẫn khác của ngành KSND.
Thứ ba: Cần nâng cao trách nhiệm, bản lĩnh của Kiểm sát viên trong giải quyết các vụ án hình sự; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng sơ đồ tư duy trong báo cáo, giải quyết các vụ án hình sự.
Thứ tư: Tổ chức họp liên ngành tư pháp 2 cấp để thống nhất hướng xử lý; đồng thời cần tranh thủ sự chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Tỉnh uỷ, sự chỉ đạo nghiệp vụ của Viện kiểm sát và Tòa án cấp trên.
Thứ năm: Xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành và tăng cường công tác phối hợp (CQĐT, VKS, Tòa án, Cơ quan Quản lý xuất, nhập cảnh, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển) trong phân loại, thụ lý, giải quyết các vụ việc, vụ án liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh, vũ khí, vật liệu nổ.
Thứ sáu: Ban hành kiến nghị với cơ quan chức năng (UBND tỉnh/thành phố/huyện/các đơn vị chức năng...) tăng cường công tác chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, vũ khí, vật liệu nổ; khắc phục, hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm, góp phần hạn chế vi phạm, tội phạm xảy ra trên địa bàn.
Thứ bảy: Tiếp tục tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn nữa khâu công tác này trong thời gian tới.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Quang Dũng cũng đề nghị các cơ sở đào tạo của Ngành phối hợp với Vụ 1, Vụ 14, Vụ 7 - VKSND tối cao nghiên cứu chuyên sâu đối với 2 chuyên đề tại Hội nghị tập huấn để xây dựng chương trình, bài giảng phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập; đồng thời, đề nghị Vụ 14 phối hợp với Vụ 1, Vụ 7 - VKSND tối cao tiếp tục nghiên cứu, giải đáp, hướng dẫn kịp thời những khó khăn, vướng mắc về loại án này cho VKSND các địa phương.