Theo đó, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Thanh tra VKSND cấp mình tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội, các chỉ thị, quy chế, quy định của Viện trưởng VKSNDTC trong lĩnh vực hình sự và lĩnh vực thanh tra. 
 
Thanh tra VKSNDTC, Thanh tra VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động phát hiện và báo cáo Viện trưởng VKSND cấp mình để kịp thời tiến hành thanh tra đột xuất về trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát viên để xảy ra các vụ việc trong lĩnh vực hình sự có dấu hiệu vi phạm thuộc thẩm quyền, như: Các vụ án do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đình chỉ vụ án, bị can, bị cáo do không phạm tội hoặc đình chỉ không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật mà có khiếu nại, tố cáo hoặc kêu oan; các vụ án Viện kiểm sát truy tố, Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội (đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật); các trường hợp quá hạn tạm giữ, tạm giam có trách nhiệm của Viện kiểm sát; các vụ việc khác do Viện trưởng VKSND cùng cấp hoặc cấp trên yêu cầu tiến hành thanh tra đột xuất.
 
Viện trưởng VKSND cấp cao tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình và của VKSND cấp dưới theo quy định; tổng hợp, báo cáo về Thanh tra VKSNDTC các vụ án, bị cáo mà TAND các cấp tuyên không phạm tội đã có hiệu lực pháp luật; các vụ án, bị cáo TAND cấp cao xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc TAND cấp tỉnh xét xử phúc thẩm tuyên hủy án để điều tra lại, xét xử lại nhưng sau đó cơ quan tiến hành tố tụng sơ thẩm cấp tỉnh hoặc cấp huyện đã đình chỉ do không phạm tội. 
 
Thủ trưởng đơn vị tiến hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự thuộc VKSNDTC, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSNDTC, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình và của VKSND cấp dưới theo quy định, chủ động rà soát, phát hiện những tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong lĩnh vực hình sự; kịp thời báo cáo số liệu, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự của Viện kiểm sát và kết quả thanh tra, kiểm tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm nêu tại Điểm 2 Chỉ thị này về Thanh tra VKSNDTC để tổng hợp, báo cáo Viện trưởng VKSNDTC xem xét, chỉ đạo. 
 
Giao thanh tra VKSNDTC: Hàng tháng phối hợp với Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSNDTC, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm số liệu những vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hình sự nêu tại Điểm 2 Chỉ thị này, chủ động tham mưu, đề xuất Viện trưởng VKSNDTC chỉ đạo tiến hành thanh tra đột xuất hoặc thanh tra lại khi xét thấy cần thiết.
 
Lê Sử