Theo báo cáo kết quả triển khai thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp TP. Hà Nội, hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội nhằm hạn chế tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Toà án.

Kết quả hòa giải, đối thoại còn góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn sự ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

Để đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính, ngày 1/10/2018, Chánh án TAND Tối cao đã ban hành Kế hoạch số 301/KH-TANDTC về việc triển khai thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại một số TAND.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: TTXVN)
TP. Hà Nội là 1 trong 15 tỉnh, thành phố được TAND Tối cao lựa chọn triển khai thí điểm phương thức này.

Theo đó, TAND TP. Hà Nội đã thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND TP. và 15 tòa án cấp quận, huyện trên địa bàn. Các trung tâm này sẽ tiến hành hòa giải những tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động. Đồng thời, trung tâm còn có chức năng đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi tòa án thụ lý, giải quyết.

Phát biểu tại Hội nghị, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao công tác triển khai thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại của TAND TP. Hà Nội và yêu cầu TAND hai cấp TP. Hà Nội chủ động, tích cực bảo đảm hoạt động của các trung tâm này; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các trung tâm và kiến nghị TAND Tối cao hướng dẫn, xử lý kịp thời nếu cần thiết.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị các hòa giải viên, đối thoại viên tích cực nghiên cứu, áp dụng những kỹ năng, quy trình hòa giải, đối thoại đã được tập huấn; vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm và uy tín của mình để triển khai trong thực tiễn.

Để thực hiện tốt thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp TP. Hà Nội, Chánh án TAND Tối cao mong muốn, lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ cho trung tâm hòa giải, đối thoại của tòa án các cấp.

Đồng thời, TAND TP. Hà Nội cần nâng cao công tác tuyên truyền để người dân hiểu về cơ chế hòa giải, đối thoại. Đối với đối thoại viên, hòa giải viên, cần đầu tư nhiều thời gian, công sức, tâm huyết cho công việc.

Bên cạnh đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần xem công tác hòa giải, đối thoại là nhiệm vụ chính trị, bởi làm tốt công tác này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác xét xử của TAND hai cấp tại Hà Nội.

Cũng tại hội nghị này, TAND Tối cao, TAND TP Hà Nội đã công bố một số quyết định liên quan đến chế định hòa giải, đối thoại và cải cách tư pháp.

H.Nguyên