Về phạm vi, đối tượng áp dụng, Quy chế nêu rõ, Quy chế này quy định nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của ngành KSND (Ban Chỉ đạo), Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo; chế độ họp, thông tin, báo cáo và kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác triển khai chuyển đổi số của ngành KSND.
Quy chế này áp dụng đối với Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND các cấp, các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và phối hợp công tác về chuyển đổi số ngành KSND.
Về nguyên tắc làm việc, Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai và do Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành. Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo không làm thay chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị và người đứng đầu các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND các cấp.
Đề cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên trong hoạt động của Ban Chỉ đạo và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công; giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được phân công, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và quy định của Quy chế này.
Các thành viên Ban Chỉ đạo chủ động giải quyết công việc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số trong ngành KSND; bảo đảm yêu cầu phối hợp công tác, trao đổi thông tin trong giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
|
|
Quang cảnh phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của ngành KSND do đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì. |
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, Quy chế quy định, Ban Chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất với Viện trưởng VKSND tối cao phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề trong thực hiện chủ trương, chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành KSND.
Cho ý kiến về các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến chuyển đổi số thuộc thẩm quyền quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao.
Giúp Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát các cấp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số của ngành KSND.
Giúp Viện trưởng VKSND tối cao điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp chuyển đổi số trong ngành KSND; tổ chức đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số.
Hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số VKSND các cấp; thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Viện trưởng VKSND tối cao.
Bên cạnh đó, Quy chế cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban Ban Chỉ đạo. Theo đó, Trưởng Ban chịu trách nhiệm trước Viện trưởng VKSND tối cao về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về hoạt động của Ban Chỉ đạo theo quy định của Quy chế này. Chỉ đạo, định hướng trọng tâm, nhiệm vụ, ban hành chương trình, kế hoạch công tác chuyển đổi số của Ban Chỉ đạo; tổ chức sơ kết, tổng kết công tác chuyển đổi số; triệu tập, chủ trì các cuộc họp thường kỳ và đột xuất của Ban Chỉ đạo.
Thành lập hoặc chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo theo kế hoạch hoặc đột xuất; ký quyết định thành lập, thay đổi thành viên Tổ giúp việc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo; yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự các cấp, các VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện báo cáo, thông tin về hoạt động chuyển đổi số của đơn vị mình.
Trực tiếp hoặc phân công Phó Trưởng ban thay mặt Ban Chỉ đạo làm việc với các cơ quan, tổ chức, cá nhân về những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Quyết định việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước và các nguồn tài trợ hợp pháp khác phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Căn cứ đề nghị của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo và ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, biểu dương, đề nghị khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích; phê bình, yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm trong công tác chuyển đổi số.