(BVPL) - Xây dựng hai dự án luật là một trong những nhiệm vụ to lớn và quan trọng của ngành KSND. Hội nghị toàn quốc ngành KSND vừa qua đã tập hợp được trí tuệ của toàn bộ cán bộ, KSV, góp phần giúp Ban soạn thảo xây dựng 2 dự án luật được hiệu quả, toàn diện... Báo BVPL đã đăng nhiều kỳ ý kiến của các VKS các địa phương xung quanh 2 dự án luật. Trong số báo này, báo BVPL tiếp tục giới thiệu ý kiến của một số đại biểu đến từ VKS cấp huyện.
 


Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND, kiến nghị quy định cụ thể trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) những nguyên tắc cơ bản sau: Nguyên tắc tập trung thống nhất; nguyên tắc độc lập; nguyên tắc pháp chế; nguyên tắc công khai; nguyên tắc giữ gìn đạo đức nghề nghiệp; nguyên tắc báo cáo trước cơ quan dân cử; nguyên tắc kiên định.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND, để tạo điều kiện cho VKS thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự, Luật Tổ chức VKSND sửa đổi cần quy định rõ: VKS có quyền yêu cầu các cơ quan (bao gồm: Cơ quan điều tra, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cũng như các tổ chức khác và cá nhân) cung cấp tài liệu, thông tin cần thiết cho việc xác định dấu hiệu tội phạm nhằm phục vụ cho công tác kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Điều 6 của Luật cần bổ sung thêm: Các quyết định, kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của VKSND phải được các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, yêu cầu thì cơ quan, đơn vị, tổ chức phải có văn bản trả lời cho Viện kiểm sát.

Điều 22 Luật Tổ chức VKSND cần được quy định thêm: VKSND có quyền kiến nghị với TAND cùng cấp và cấp dưới khắc phục vi phạm pháp luật trong việc giải quyết các vụ án, sau khi TAND nhận được văn bản kiến nghị thì Tòa án phải có văn bản trả lời về việc kiến nghị của Viện kiểm sát.

Về tổ chức bộ máy VKSND, cơ cấu tổ chức VKSND các cấp:

Để thực hiện lộ trình cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 và Kết luận 79 của Bộ Chính trị, chúng ta phải thành lập VKS khu vực, nhưng đề nghị nên thành lập theo phương án chuyển đổi mỗi Viện kiểm sát cấp huyện hiện nay thành một VKS khu vực.

Về cán bộ của VKSND, đề nghị quy định cụ thể hơn về quyền hạn của KSV được quy định tại các Chương 2, 3, 4, 5, 6 Luật Tổ chức VKSND và tại Điều 14 Pháp lệnh KSV.

Về nhiệm kỳ của KSV: đề nghị sửa đổi Điều 4 Pháp lệnh KSV theo hướng bổ nhiệm KSV không thời hạn. Bởi lẽ, Kiểm sát viên  không chỉ là một chức danh pháp lý đơn thuần mà đây còn là một chức danh nghề nghiệp của một con người (cũng giống như bác sỹ, kỹ sư, kiến trúc sư….). Về thực hiện cơ cấu, tuyển chọn, bổ nhiệm KSV, đề nghị bãi bỏ quy định về tỷ lệ biên chế KSV như hiện nay. Bởi quy định này gây khó khăn cho việc phát triển đội ngũ cán bộ công chức ngành Kiểm sát cũng như bố trí sử dụng cán bộ, nhất là ở những VKS huyện có địa bàn phức tạp, lượng án hình sự, dân sự phát sinh nhiều. Do vậy, tỷ lệ các ngạch KSV của VKS mỗi cấp cần được ấn định theo một cơ cấu phù hợp hơn.

Nên quy định Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn KSV cấp tỉnh và KSV cấp huyện là Viện trưởng VKSND cấp tỉnh…
 

Thúc Hà - Mai Hòa
 (lược ghi)

.