Hơn 200 đại biểu đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), VKSND các tỉnh, thành phố và VKS quân sự Trung ương đã tham dự Hội nghị tập huấn Quy chế tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan Điều tra VKSNDTC, do VKSNDTC tổ chức vào ngày 10/7, tại TP. Đà Nẵng. Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC dự và chỉ đạo Hội nghị.

 

Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội nghị.
Tiến sỹ Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội nghị.

 

Ngày 9/3/2012, Viện trưởng VKSNDTC đã có Kế hoạch số 11/KH-VKSTC-C6 về việc tập huấn Quy chế tiếp nhận xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSNDTC ban hành kèm theo Quyết định số 116/2011/QĐ-VKSTC-C6 ngày 14/4/2011 của Viện trưởng VKSNDTC (gọi tắt là Quy chế 116). Trước đó, ngày 25/2/2011, Viện trưởng VKSNDTC đã có Văn bản  số 386/VKSTC-C6, yêu cầu Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành, Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSNDTC thực hiện một số nội dung nhằm tăng cường trách nhiệm phối hợp công tác tiếp nhận, quản lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan điều tra VKSNDTC.


Các đơn vị trực thuộc VKSNDTC và VKSND các tỉnh, thành về cơ bản đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đã phân công lãnh đạo, KSV lập hồ sơ, sổ quản lý, theo dõi việc tiếp nhận, phân loại tố giác, tin báo về tội phạm  chuyển đến các cơ quan, đơn vị để giải quyết, xử lý theo thẩm quyền. Cục Điều tra VKSNDTC đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, VKS địa phương lập danh sách, số điện thoại và thông báo đến các đơn vị, địa phương về các đồng chí được phân công phối hợp.

Kết quả công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, quan trọng, mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Số lượng thông tin về tội phạm chuyển đến Cục điều tra tăng gấp nhiều lần so với trước; chất lượng thông tin ngày càng cao, nhiều thông tin đã xác định tố giác, tin báo về tội phạm làø căn cứ quan trọng để khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý của Cục điều tra bước đầu có sự chuyển biến rõ rệt, đảm bảo yêu cầu chặt chẽ, hiệu quả và đúng pháp luật; công tác quản lý, tổng hợp, thống kê thông tin về tội phạm, tố giác, tin báo về tội phạm đảm bảo khoa học, chính xác; về cơ bản đã chủ động, tích cực hướng dẫn, trao đổi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện đối với các đơn vị, địa phương. Công tác phối hợp của các đơn vị, VKS địa phương đã được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ và đi vào nề nếp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quy chế 116 vẫn còn một số hạn chế, như: công tác phối hợp ở một số địa phương chưa được thường xuyên, chặt chẽ; việc thực hiện còn lúng túng; chưa chủ động phát hiện, nắm thông tin tội phạm; việc đánh giá, phân loại chưa chính xác...

Các tham luận, kiến nghị tại hội nghị đã tập trung đề cập vấn đề khoa học pháp lý liên quan, những vướng mắc, bất cập trong việc triển khai thực hiện Quy chế, cụ thể là vấn đề phối hợp giữa VKS địa phương với Cơ quan điều tra VKSNDTC; vấn đề nhận thức, tranh chấp thẩm quyền điều tra,… Các đại biểu kiến nghị cần nâng cấp Quy chế 116 thành thông tư liên tịch để tạo khung pháp lý; mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền về chức năng, thẩm quyền của Cơ quan điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng của Ngành và trên trang thông tin điện tử, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận trực tiếp thông tin.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong biểu dương những kết quả đạt được của Cơ quan điều tra VKSNDTC trong việc đấu tranh với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có vai trò của các đơn vị chức năng thuộc VKSNDTC và VKS các địa phương. Việc phát huy hiệu quả trong hoạt động này giúp nâng cao uy tín, củng cố vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân.

Đồng chí Phó Viện trưởng yêu cầu, sau hội nghị tập huấn, các đơn vị cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật và có hiệu quả Quy chế 116 và Công văn 386 của Viện trưởng VKSNDTC, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, xử lý kịp thời các tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSNDTC. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ, khi xác định vụ việc thuộc thẩm quyền điều tra của Ngành, cần thực hiện hết trách nhiệm và kiên quyết.
 

Nguyễn Huân
 

.