(BVPL) - Nguyên là Phó Viện trưởng VKSNDTC, Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, dù đã nghỉ hưu, nhưng sức cống hiến của ông cho ngành Kiểm sát thì không kể tuổi tác. Với mong muốn góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm đam mê, tự hào của tuổi trẻ đối với lịch sử phát triển ngành Kiểm sát nhân dân, sau hàng loạt cuốn sách đúc rút kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ, vừa qua, ông đã cho ra mắt một số tác phẩm để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc như: Một thời trận mạc; Theo dòng công lý; Tạ Đình Đề - những góc khuất cuộc đời. Mới đây, cuốn Tạ Đình Đề - những góc khuất cuộc đời đã được tái bản. 
 
TS. Dương Thanh Biểu trao quà cho phu nhân của đồng chí Nguyễn Thế Đồng, Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC
TS. Dương Thanh Biểu trao quà cho phu nhân của đồng chí Nguyễn Thế Đồng, Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC
 
Và để hiểu rõ hơn về giá trị hiện thực của một số tác phẩm gần đây cũng như cuộc sống đời thường của ông. Phóng viên báo BVPL đã trò chuyện với ông - một con người làm việc không biết mệt mỏi.
PV: Trong thời gian đang công tác, ông đã viết 7 cuốn sách về công tác nghiệp vụ và khi nghỉ hưu, ông xuất bản 2 cuốn hồi ký là “Một thời trận mạc” và “Theo dòng công lý” và mới đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử “Tạ Đình Đề - Những góc khuất cuộc đời”. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm để vừa sắp xếp công việc vừa viết các cuốn sách này? 
 
TS. Dương Thanh Biểu: Khi đang công tác, tôi đã hoàn thành tác phẩm: Tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm. Đây là cuốn sách đầu tiên và được chuẩn bị từ rất lâu, nhất là khi phụ trách khâu xét xử. Tôi đã cho ra đời các cuốn sách như: Tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm; Kỹ năng thực hành quyền công tố và KSXX vụ án hình sự theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; Tuyển chọn các quyết định giám đốc thẩm; Kinh nghiệm giải quyết án và quyền phụ nữ; Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Kiểm sát nhân dân; Kinh nghiệm giải quyết án trong giai đoạn phúc thẩm. Đây là những cuốn sách do tôi chủ biên, có sự phối hợp của các đồng chí: Lê Hữu Thể (hiện là Phó Viện trưởng VKSNDTC), đồng chí Trần Công Phàn (hiện là Phó Viện trưởng VKSNDTC), đồng chí Lại Hợp Việt, nguyên là Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát, Vụ 3, VPT1, VPT2 và VPT3 cùng các VKSND địa phương. 
 
Dù công việc rất bận, nhưng tối đến, sau khi ở cơ quan về, tôi lại ghi chép lại những sự kiện có ý nghĩa, nhưng quan trọng là phải có tấm lòng tâm huyết với nghề và tình thương yêu, quý trọng đồng nghiệp của mình. Những sự kiện, con người đáng quý trọng, đáng khâm phục ấy, thông qua lăng kính nhận thức, lại trở thành những cảm xúc, rung động trong sâu thẳm trái tim mình. Đây không chỉ là những kỷ niệm theo suốt cuộc đời, mà còn là những chất liệu vô cùng quý giá cho việc hình thành các tác phẩm của tôi...  
 
 PV:  Những kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời làm án của ông là gì?
 
TS. Dương Thanh Biểu: Có một kỷ niệm và cũng là một bài học rất thành công của ngành Kiểm sát, đó là vụ án Tạ Đình Đề. Thời kỳ đó, nhân dân trong Nam ngoài Bắc đều biết chuyện huyền thoại về Tạ Đình Đề bị bắt và xét xử về tội kinh tế, nhưng Tòa tuyên vô tội. Bản án được kháng nghị nhưng không xét xử, lại bắt ông về tội an ninh. Lúc này là thời kỳ bao cấp, hàng hóa thiếu thốn. Phố Tôn Đản là cửa hàng bán phiếu A, B dành cho cấp Thứ - Bộ trưởng trở lên, phố Nhà Thờ là phiếu C dành cho cán bộ cấp Vụ, còn anh em là vỉa hè, chợ Bắc Qua ở Hà Nội là bán buôn. Nên có câu thơ truyền miệng trong dân gian rằng: “Tôn Đản là chợ vua quan, Nhà Thờ là chợ trung gian nịnh thần, Bắc Qua là chợ thương nhân, vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng”. Sau đó, Cơ quan điều tra lại bắt giam Tạ Đình Đề về tội Tuyên truyền chống chế độ, vì nói lên những câu thơ này. Tại đây, ông Đề phản biện rằng: Tôi theo Đảng, theo Bác Hồ từ khi còn nhỏ, sao lại kết tội tôi chống chế độ được, những câu thơ vè này là do nhân dân đọc truyền miệng nhau bấy lâu nay. Qua điều tra xác minh tường tận đầu đuôi sự việc, thì Vụ 2C, VKSNDTC ngày đó đã tham mưu cho lãnh đạo và được nhất trí là không có tội. Sau đó Đảng, Nhà nước xác định Tạ Đình Đề là người có công với đất nước. Đến năm 2007, tức là sau khi ông Đề chết được 10 năm, ông được Nhà nước phong tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Kết lại, trong quá trình điều tra vụ án, các cán bộ Kiểm sát phải giữ quan điểm và lập trường của mình trong việc nghiên cứu hồ sơ, kiểm sát điều tra và quan điểm xử lý để tránh oan sai, cũng chính là bảo vệ công lý.
 
PV: Có thể nói, ông là thế hệ lãnh đạo được thụ hưởng truyền thống vẻ vang của Ngành, đồng thời cũng là người đã giữ gìn và phát huy mạnh mẽ truyền thống ấy, ông đánh giá như thế nào về những giá trị truyền thống của Ngành đối với thế hệ cán bộ trẻ? 
 
TS. Dương Thanh Biểu: Nếu xét về ý nghĩa truyền thống thì nội dung cuốn “Theo dòng công lý” chính là dòng chảy cảm xúc về những sự kiện và con người của ngành Kiểm sát nhân dân. Đằng sau những vụ án mà “Theo dòng công lý” đã chuyển tải để lại cho chúng ta một cách nhìn mới về cuộc đấu tranh vô cùng cam go và phức tạp của các thế hệ cán bộ Kiểm sát với bọn tội phạm để bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý và lẽ phải, bảo vệ quyền dân chủ của công dân.
 
Trong dòng hồi ức bộn bề ấy, tác phẩm đã dành rất nhiều trang kể về  những đồng chí, đồng nghiệp với giọng văn trân trọng, đôn hậu, thương mến giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn chân dung, diện mạo của những người làm công tác kiểm sát qua các thời kỳ. Hình ảnh người cán bộ Kiểm sát đã tạo được niềm tin tưởng, yêu mến, kính phục sâu sắc của người đọc. 
 
Đó là hình ảnh của rất nhiều cán bộ Kiểm sát suốt đời phấn đấu, hy sinh cho một nền công lý và lẽ phải với lòng nhiệt huyết, say mê với công việc, là sự kiên quyết đấu tranh với bọn phạm tội nhưng đồng thời, cũng rất giàu lòng nhân ái và sự độ lượng, khoan dung trước thân phận con người. Đó là các bậc lão thành như Hoàng Quốc Việt, Trần Hữu Dực, Trần Lê, Trần Quyết, Lê Thanh Đạo, Hà Mạnh Trí… và rất nhiều người nữa đã để lại trong tôi những tình cảm sâu nặng không thể phai mờ. 
 
Những sự kiện và con người mà “Theo dòng công lý” đã tái hiện, là nét đẹp văn hóa, tạo thành truyền thống vinh quang của ngành Kiểm sát nhân dân. Tôi hy vọng rằng, truyền thống vinh quang ấy, sẽ truyền vào lớp trẻ ngành Kiểm sát, những cảm xúc mới, những xung lực mới, góp phần khơi dậy lòng tự hào và nhiệt huyết để hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho ngành Kiểm sát.
 
PV: Án ma túy hiện nay là một vấn đề nhức nhối xã hội. Ông có thể cho biết những bài học kinh nghiệm từ vụ án Vũ Xuân Trường phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy?
 
TS. Dương Thanh Biểu: Trong vụ án này, có 8 bị cáo bị tử hình, 8 chung thân, 6 bị cáo bị phạt tù có thời hạn. Trong số 22 bị cáo có 8 bị cáo từng là cán bộ Công an. Tử hình 8 người thì lực lượng công an có 2 người (Trường và Ca). Trong đó, toàn bộ cán bộ tham gia giải quyết vụ án Siêng Phênh trước đây đều bị truy tố (Mua bán trái phép ma túy và phá hủy niêm phong). Ngoài ra, kỷ luật hành chính một số lãnh đạo cấp Cục, Bộ Công an…
 
Báo chí hồi đó cho rằng VKS cũng có trách nhiệm trong việc để lọt Siêng Nhông nên phải bị xử lý.  Tôi và các đồng chí Vụ 2C phải giải trình. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra hồ sơ rất kỹ và cho thấy VKS làm việc rất có nguyên tắc và theo đúng trình tự, thủ tục. Không có lý do, không đủ cơ sở để kỷ luật. Từ đây, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm: Phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, những tồn tại được yêu cầu điều tra cụ thể; Những khó khăn, vướng mắc phải báo cáo tập thể lãnh đạo Vụ, chuyên viên liên ngành và báo cáo lãnh đạo Viện, Ủy ban Kiểm sát; Giữ gìn phẩm chất; Phải chấp hành triệt để các trình tự, thủ tục của Bộ luật TTHS…
 
PV: “Theo dòng công lý” là cuốn hồi ký khá toàn diện về ngành Kiểm sát một thời. Bạn đọc đã đón nhận cuốn hồi ký này như thế nào, thưa ông?
 
TS. Dương Thanh Biểu: Sau khi xuất bản một năm, tôi nhận được khá nhiều thư của bạn đọc gửi đến nhận xét, bình luận về tác phẩm này. Trong đó có 20 ý kiến, nhận xét của các nhà lãnh đạo, các nhà xã hội học, các tướng lĩnh… Ngoài ra, có nhiều tờ báo đã đăng tải, đánh giá khen ngợi về cuốn sách.
 
Điều đó cho thấy, dư luận bạn đọc rất quan tâm đến công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo đảm quyền dân chủ công dân.
 
 
PGS.TS - Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng, những bài học, kinh nghiệm rút ra từ các vụ án lớn một thời góp phần quan trọng trong việc thực hiện cuộc vận động: Xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, bản lĩnh, kỹ cương, công tâm và trách nhiệm. 
 
Nhiều độc giả là lãnh đạo các cơ quan tư pháp cho rằng, ý nghĩa về những bài học kinh nghiệm trong cuốn “Theo dòng công lý” đã vượt ra ngoài phạm vi của một ngành, một lĩnh vực. Những bài học kinh nghiệm mà hồi ký đã chuyển tải có tác dụng rất lớn trong hoạt động áp dụng pháp luật, trong xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, trong việc xây dựng các quy định của pháp luật tố tụng tư pháp. 
 
Nhiều nhà xã hội học, nhà khoa học cho rằng, đằng sau những vụ án lớn một thời đã đặt ra cho người đọc những suy ngẫm trước các vấn đề lớn về trật tự, kỷ cương, thượng tôn của pháp luật, về trách nhiệm trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền con người, về sự công bằng của xã hội đương đại. Những sự kiện và con người có thật mà “Theo dòng công lý” đã tái hiện tuy chỉ mang tính đại diện nhưng đã lay động sâu sắc tới tâm khảm người đọc về sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên qua các thời kỳ.
 
Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo lại có góc nhìn đa chiều về hồi ký “Theo dòng công lý”. Họ nói: Các vụ án tưởng chừng khô cứng ấy đã được hồi ký tái dựng môt cách chân thực, sinh động, thấm đẫm chất nhân văn về thân phận con người. Có không ít cán bộ lão thành nhận xét: Thông qua những câu chuyện mà Theo dòng công lý đã kể, mọi người sẽ thấu hiểu hơn, cảm thông hơn và ủng hộ hơn những việc làm cao cả của ngành Kiểm sát nhân dân mà lâu nay dường như là góc khuất. Nhiều bạn đọc trẻ cho rằng, hồi ký cũng đặt ra cho họ những suy nghĩ cần phải làm gì để phát huy hơn nữa truyền thống vinh quang của ngành Kiểm sát nhân dân trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm hiện nay… Nhân đây, cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn các độc giả đã dành những tình cảm chân thành đối với tác phẩm và đối với ngành Kiểm sát nhân dân.
 
PV: Được biết, dù đã nghỉ hưu nhưng ông luôn dành sự quan tâm vì sự phát triển của ngành Kiểm sát nhân dân?
 
TS. Dương Thanh Biểu: Đối với tôi, quê hương, gia đình, cuộc đời quân ngũ, ngành Kiểm sát và các đồng đội, đồng nghiệp là những ký ức, thao thiết vui buồn cứ níu kéo tôi trở về với nguồn cội. Lúc về nhớ lắm, nỗi nhớ da diết, day dứt không nguôi. Cho nên khi được lãnh đạo yêu cầu tham gia công việc gì thì ra sức làm thật tốt. Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình là người rất tôn trọng các ý kiến đóng góp của các đồng chí lão thành. 
 
PV: Xin cảm ơn ông, kính chúc ông luôn có nhiều sức khoẻ, nhiều nhiệt huyết để tiếp tục cống hiến những kinh nghiệm quý báu cho ngành Kiểm sát.
 
Phi Sơn (thực hiện)