(BVPL) - Mới đây tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với một số Bộ, Ngành liên quan tổ chức Hội nghị sơ kết việc thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 9/10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND tối cao, VKSNDTC về phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự (Quy chế 14). Tham dự Hội nghị sơ kết có Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba,; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Phó Chánh án TAND tối cao Tống Anh Hào; Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể và Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục VIII Bộ Công an Hồ Thanh Đình...

 

Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cùng Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương chứng kiến Lễ ký Quy chế phối hợp.
Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cùng Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương chứng kiến Lễ ký Quy chế phối hợp.


Đánh giá về việc thực hiện Quy chế 14 sau hai năm triển khai, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC đều cho rằng việc thực hiện Quy chế 14 đã đạt được một số kết quả nổi bật. Theo đó, các cơ quan liên ngành ở Trung ương và địa phương đã nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của Quy chế 14, tích cực quán triệt, triển khai trong toàn ngành Tư pháp, Công an, Tòa án, Viện kiểm sát; hầu hết các địa phương cũng đã ban hành quy chế phối hợp và tập trung triển khai thực hiện, góp phần vào kết quả chung của công tác thi hành án dân sự. Công tác phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự đều được các ngành chú trọng, với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, hiệu quả cao. Trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự, việc phối hợp giữa các ngành được chú trọng, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của pháp luật về thi hành án dân sự. Việc phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với cơ quan Tòa án trong việc chuyển giao, giải thích, đính chính, bổ sung bản án, quyết định về cơ bản đã được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan Công an đã tích cực phối hợp trong cưỡng chế thi hành án. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Cơ quan thi hành án dân sự với cơ quan VKSND trong công tác kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, nhất là phối hợp trong kiểm sát hoạt động nghiệp vụ, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiểm tra công tác thi hành án dân sự và trong việc giải quyết vụ án lớn, phức tạp, khó thi hành đã có nhiều đổi mới, kịp thời.  

Cũng theo đánh giá, việc phối hợp hiệu quả trên giữa các cơ quan cho thấy việc ban hành Quy chế là một giải pháp hết sức đúng đắn của liên ngành Tư pháp, Công an, Tòa án, Kiểm sát, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường trách nhiệm, tạo chuyển biến tích cực, nề nếp trong công tác thi hành án dân sự, góp phần giúp cho công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao, vượt chỉ tiêu của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao.

Cũng tại Hội nghị sơ kết, đại diện Lãnh đạo một số Bộ, Ban, Ngành Trung ương đã chứng kiến Lễ ký Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự giữa Tổng Cục thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp với Tổng Cục VIII, Bộ Công an.
 

V.T

.