Trong 6 năm (2015- 2020), VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện và bảo vệ thành công 6 đề tài khoa học thuộc nhiều lĩnh vực công tác kiểm sát, đó là các đề tài: “Thực trạng và giải pháp tăng cường mối quan hệ phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”; “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa hình sự trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013”; “Thực trạng, giải pháp tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa VKS và Cơ quan điều tra trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố”; “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính”;...

Nhiều đề tài sau khi nghiệm thu đã được triển khai trong thực tiễn công tác của VKSND hai cấp và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình là đề tài “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa hình sự trên địa bàn nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013”, nhằm triển khai thực hiện tốt Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật về tư pháp được Quốc hội thông qua cuối năm 2015, đặc biệt là BLHS và BLTTHS.

VKSND với vị trí, chức năng Hiến định là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp được xác định là thiết chế quan trọng để bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự.

Sau khi đề tài được nghiệm thu, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên 2 cấp, góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự ở địa phương.

leftcenterrightdel
Hội nghị trực tuyến VKSND 2 cấp tỉnh Vĩnh Phúc về nâng cao chất lượng bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên toà dân sự.  

Nhiều năm qua, VKSND 2 cấp tỉnh Vĩnh Phúc không để xảy ra trường hợp nào bắt, giữ, khởi tố, truy tố, xét xử oan, sai; không có án VKS truy tố Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; án trả hồ sơ điều tra bổ sung có trách nhiệm của VKS đã giảm rõ rệt và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của VKSND tối cao đề ra.

Đề tài “Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính”, được triển khai nghiên cứu và nghiệm thu năm 2019 nhằm đánh giá toàn diện kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính năm 2015, nhất là quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND.

Đây là các quyền năng quan trọng nhưng việc thực hiện của VKSND các cấp nói chung chưa triệt để và hiệu quả chưa cao. Còn nhiều vi phạm của Tòa án nhưng VKS chưa phát hiện để thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị. Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng việc thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND trong công tác kiểm sát giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đề tài đã đưa ra được nhiều giải pháp hữu ích, nhất là hệ thống giải pháp về kỹ năng phát hiện vi phạm; kỹ năng kiểm sát đối với thông báo thụ lý vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các văn bản tố tụng, bản án, quyết định giải quyết của Tòa án; kỹ năng tập hợp vi phạm; soạn thảo văn bản yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị và kỹ năng bảo vệ quan điểm kháng nghị tại phiên tòa.

Sau khi đề tài được nghiệm thu, đã được triển khai đến VKS 2 cấp, xác định kháng nghị ngang cấp là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác năm 2020 của Ngành; đã chỉ đạo 9/9 VKSND cấp huyện tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị ngang cấp, trên cơ sở đó, VKSND tỉnh tổng hợp hoàn thiện báo cáo và tổ chức hội nghị chuyên đề “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kháng nghị ngang cấp” đến toàn thể lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác nghiệp vụ của 2 cấp.

Kết quả, trong năm 2020, công tác kháng nghị phúc thẩm án dân sự, hành chính của VKSND 2 cấp tỉnh Vĩnh Phúc được nâng lên rõ rệt so với các năm trước đây. Cụ thể: VKS 2 cấp đã phát hiện vi phạm, ban hành 67 kháng nghị phúc thẩm (ngang cấp 40, trên một cấp 27), tăng 30 kháng nghị so với năm 2018 (67/37) và tăng 33 kháng nghị so với năm 2019 (67/34); Tòa án đã xét xử 60 vụ có kháng nghị, chấp nhận kháng nghị 59 vụ, đạt 98,3%, không chấp nhận 01 vụ, chiếm 1,7% (vụ này VKSND tỉnh đã báo cáo và được VKSND cấp cao tại Hà Nội kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để giải quyết lại). 

Trong năm 2021, VKSND tỉnh tiếp tục xác định công tác kiến nghị là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành để chỉ đạo thực hiện nhằm nâng cao chất lượng thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Công tác nghiên cứu khoa học được Ban Cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh Vĩnh Phúc triển khai trong những năm qua không chỉ có ý nghĩa thiết thực trong việc tổng kết lý luận và thực tiễn các khâu công tác của Ngành; đây còn là một trong những hình thức tự đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao chất lượng các khâu công tác của VKSND tỉnh. 

Thành tích hai năm liên tục (2019 - 2020) được nhận Cờ thi đua của Chính phủ là minh chứng khẳng định hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ngành Kiểm sát Vĩnh Phúc, trong đó có công tác nghiên cứu, triển khai thực hiện các đề tài khoa học


Trịnh Duy Tám