Tham dự Hội nghị còn có đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, VKSND TP. Hà Nội và VKSND tỉnh Tuyên Quang.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lương Minh Thống, Vụ trưởng Vụ 8 VKSND tối cao cho biết, qua buổi tập huấn sẽ góp phần nâng cao năng lực cho các cán bộ trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lương Minh Thống, Vụ trưởng Vụ 8 VKSND tối cao cho biết, với mục đích nâng cao hiểu biết cho cán bộ kiểm sát về nội dung các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân của Liên Hợp quốc sửa đổi và nâng cao năng lực cho các cán bộ trong công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, nhất là, trong kiểm sát việc thi hành án phạt tù trong giai đoạn hiện nay.

“Qua tìm hiểu, nghiên cứu sơ lược về Bộ Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân của Liên Hợp quốc sửa đổi, chúng ta sẽ nâng cao nhận thức và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền của người bị tạm giữ, tạm giam và người chấp hành án cũng như đảm bảo các thủ tục trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự. Đồng thời, cung cấp thêm thông tin cần thiết để chúng tôi tiếp cận với những giá trị cốt lõi về quyền con người, quyền công dân, quyền của người bị tạm giữ, tạm giam và người chấp hành án.”- đồng chí Lương Minh Thống nhấn mạnh.

Còn theo bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách UNODC tại Việt Nam, trong hơn 60 năm, những quy tắc Nelson Madela là tiêu chuẩn được thừa nhận rộng rãi để quản lý các cơ sở trại giam và đối xử với phạm nhân, có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của luật pháp, chính sách và thực tiễn công tác giam giữ trên phạm vi toàn cầu.

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Nguyệt Minh, đại diện UNDOC tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, khi luật pháp quốc tế cũng như những hiểu biết về quá trình tố tụng và quyền con người được phát triển, các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc thừa nhận rằng, các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân cần được rà soát lại. Do đó, năm 2011, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thành lập nhóm chuyên gia liên Chính phủ có nhiệm vụ rà soát, cập nhật các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của Liên Hợp quốc về đối xử với tù nhân.

Từ năm 2012 đến năm 2015, các chuyên gia cùng với sự giúp đỡ của UNODC đã đề xuất sửa đổi hơn một phần ba các quy tắc ban đầu trên 9 lĩnh vực chủ đề: Nhân phẩm của tù nhân; nhóm tù nhân dễ bị tổn thương; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; các hạn chế, kỷ luật và chế tài; điều tra về tử vong và tra tấn khi bị giam giữ; quyền tiếp cận đại diện hợp pháp của tù nhân; khiếu nại và kiểm tra; đào tạo cán bộ trại giam; và cập nhật các thuật ngữ. Và vào tháng 12 năm 2015, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu sửa đổi của Liên Hợp quốc về đối xử với tù nhân.

Các quy tắc này được đặt tên là “Bộ Quy tắc Nelson Mandela”, để vinh danh cố Tổng thống Nam Phi, người đã bị cầm tù 27 năm vì đấu tranh cho công lý và quyền con người.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị tập huấn. 

Với mong muốn phổ biến rộng rãi Bộ Quy tắc Nelson Mandela, hỗ trợ tích cực các quốc gia thành viên trong việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế/ đưa quy định của Bộ quy tắc Nelson Mandela vào thực tiễn, UNODC đã xây dựng Chương trình tập huấn trực tuyến Bộ Quy tắc Nelson Mandela (với sự tài trợ của Đức và Nam Phi).

Bà Minh cũng cho biết, tại Việt Nam trong những năm qua, UNODC phối hợp với Chính phủ Việt Nam, trong đó có Bộ Công an và VKSND tối cao thực hiện nhiều hoạt động hợp tác nhằm nâng cao năng lực của hệ thống tư pháp hình sự nhằm xây dựng hệ thống tư pháp hình sự phù hợp với các chuẩn mực quốc  tế. Chính vì vậy, kể từ cuối năm 2020, sau các cuộc trao đổi giữa hai bên, với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản, UNODC thống nhất phối hợp cùng Bộ Công an, Học viện Cảnh sát nhân dân xây dựng chương trình tập huấn trực tuyến về Bộ Quy tắc Nelson Mandela bằng tiếng Việt, phổ biến chương trình tập huấn này cho các cán bộ, chiến sĩ có liên quan. Kể từ tháng 5/2021, khóa tập huấn về bộ quy tắc Nelson Mandela bằng tiếng Việt chính thức được hoàn tất và đi vào áp dụng...

Chia sẻ về những nội dung được tập huấn với phóng viên, đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ cho biết, thông qua Hội nghị tập huấn, đã giúp chúng tôi tiếp cận các nguyên tắc đối xử với tù nhân đã được Việt Nam cam kết thực hiện. Qua nghiên cứu, so sánh, đối chiếu với các quy định Việt Nam, nhận thấy Việt Nam đã cụ thể hóa thông qua Luật Thi hành án hình sự, Nghị định 133/CP và các văn bản dưới luật, cụ thể hóa quyền và trách nhiệm của phạm nhân và các trại giam trong qua trình quản lý, giáo dục phạm nhân.

Bên cạnh đó, còn giúp cán bộ, kiểm sát có cách nhìn toàn diện hơn trong quá trình tiếp cận kiểm sát các trại giam. Thông qua công tác kiểm sát sẽ chú ý nhiều đến quyền, trách nhiệm của trại giam, đặc biệt là quyền lợi của phạm nhân theo quy định của pháp luật phải được đảm bảo thực thi.

Đặc biệt, thông qua tiếp cận các nguyên tắc, tạo cho cán bộ có điều kiện liên hệ thực tiễn giữa Việt Nam với quốc tế, những vấn đề chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện trên thực tiễn với những quy định pháp luật trong quá trình giam giữ, để làm sao trong quá trình cải tạo và giáo dục tại các trại giam giữ giúp họ hướng đến những giá trị chân- thiện- mỹ  khi họ hòa nhập cộng đồng.

Minh Nhật