leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh án Tòa án nhân dân huyện Yên Phong phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thanh Bình - Chánh tòa Dân sự TAND tỉnh Bắc Ninh cùng các đồng chí Lãnh đạo, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án nhân dân huyện Yên Phong, các đồng chí Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên VKSND huyện Yên Phong.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Kim Oanh, Viện trưởng, thường trực liên ngành tố tụng huyện Yên Phong nêu rõ: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có nhiều nội dung mới, trong khi các Bộ luật liên quan chưa được sửa đổi, bổ sung. Những quy định mới này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xét xử, kiểm sát xét xử của Tòa án và Viện kiểm sát, đặc biệt trong lĩnh vực Tố tụng dân sự. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị là vô cùng cần thiết nhằm mục đích: Thực hiện có hiệu quả các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác xét xử và kiểm sát xét xử, qua đó khắc phục những hạn chế, tồn tại; giải quyết những khó khăn vướng mắc, khơi gợi về những cách làm mới, hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức trách nhiệm của Thẩm phán, Kiểm sát viên trong tình hình mới; Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể Lãnh đạo 2 đơn vị phối hợp trong công tác xét xử; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về công tác xét xử và kiểm sát xét xử, trên cơ sở đó hai cơ quan xây dựng kế hoạch nâng cao vai trò của đội ngũ Kiểm sát viên, Thẩm phán trong công tác nghiệp vụ của từng đơn vị, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp, góp phần vào việc hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng cơ quan, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh án TAND huyện Yên Phong đã giới thiệu, phân tích những điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, trong đó tập trung nhấn mạnh những quy định liên quan đến hoạt động tố tụng của Tòa án, Viện kiểm sát, như: Quy định về việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án (Điều 15); Quy định về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (Điều 141); một số quy định về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Lao động (Điều 150)...

Thảo luận tại Hội nghị, các đồng chí Thẩm phán, Kiểm sát viên tập trung nêu ra những quan điểm, ý kiến về quy định tại Điều 15 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024. Theo Điều luật này, Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án; Toà án chỉ hướng dẫn, hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan tổ chức cá nhân cung cấp tài liệu chứng cứ trong trường hợp các bên đã thực hiện biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được và đề nghị Toà án hỗ trợ.

Như vậy, mặc dù hiện nay Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và các văn bản pháp luật khác quy định về các biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án vẫn đang có hiệu lực thi hành, nhưng trong thời gian tới, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những quy định này để đảm bảo thống nhất về pháp luật. Hơn nữa, tại khoản 6 Điều 15 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định Tòa án kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ, nên mặc dù Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ nhưng cần thiết tiến hành các biện pháp để kiểm tra tính xác thực, đúng đắn của chứng cứ do đương sự giao nộp.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Hoàng Thị Kim Oanh, Viện trưởng VKSND huyện Yên Phong phát biểu tại Hội nghị.

Đồng thời, tại Hội nghị cũng thảo luận sôi nổi về việc do Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ nên quyền yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ và quyền đề nghị tạm ngừng phiên tòa để thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát sẽ được thực hiện như thế nào. Đa số các ý kiến đều tán thành quan điểm Viện kiểm sát vẫn thực hiện quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ khi đương sự không giao nộp đầy đủ  chứng cứ mà chứng cứ đó là cần thiết để giải quyết vụ án, hoặc trong trường hợp Tòa án chưa hướng dẫn, hoặc hướng dẫn nhưng chưa đầy đủ để đương sự thu thập... Tại phiên tòa, nếu phát sinh tình tiết, chứng cứ mới mà quá trình giải quyết đương sự không biết về chứng cứ đó, Tòa án chưa hướng dẫn, hỗ trợ đương sự thu thập thì cần thiết tạm ngừng phiên tòa để thu thập bổ sung, nhằm giải quyết vụ án đảm bảo khách quan, toàn diện. Bên cạnh đó, các đồng chí tham dự Hội nghị cũng thảo luận, cho ý kiến về trình tự, cách thức Tòa án hướng dẫn, hỗ trợ đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan) thu thập chứng cứ như thế nào, bằng văn bản hay bằng lời nói, một lần hay nhiều lần, đối với một đương sự hay tất cả các đương sự...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Kim Oanh ghi nhận, tiếp thu, đánh giá cao các nội dung đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đã trình bày cũng như những ý kiến tham luận tại Hội nghị. Trong thời gian tới, đề nghị lãnh đạo liên ngành Viện kiểm sát nhân dân - Tòa án nhân dân huyện Yên Phong, các đồng chí Thẩm phán, Kiểm sát viên tiếp tục nâng cao quan hệ phối hợp công tác, “sớm hơn, cụ thể hơn, sâu sát hơn, trực tiếp hơn”, để góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mỗi cơ quan nói riêng và nhiệm vụ chính trị tại địa phương nói chung.

 

Minh Quang