Tham dự hội nghị có các đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Trần Phú Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan của tỉnh.

leftcenterrightdel
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Năm 2022, liên ngành các cơ quan tư pháp tỉnh Đắk Lắk đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh để đề ra để triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự và các nhiệm vụ cải cách tư pháp; góp phần tích cực trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Liên ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm, có tính chất đột phá, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng, như:

Đã triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; phối hợp tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo tổ chức đối thoại với công dân, giải quyết nghiêm minh, dứt điểm một số vụ án có đơn khiếu nại phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả. Phối hợp thực hiện nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản nhà nước bị chiếm đoạt; kịp thời giải quyết dứt điểm, nghiêm minh các vụ án về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực và nhiều vụ án, vụ việc phức tạp khác, được dư luận đồng tình, ủng hộ.

Viện kiểm sát đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng Sơ kết quy chế phối hợp 8 Ngành trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn tỉnh; thành lập 17 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ tại Cơ quan CSĐT, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh và các Phòng hình sự VKSND tỉnh, từ đó ban hành Quy chế phối hợp thực hiện một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Ngoài ra, Lãnh đạo Công an tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Lực lượng Công an xã chính quy ngay sau khi được bố trí về cơ sở đã phát huy tốt vai trò nòng cốt, trách nhiệm, nhanh chóng tiếp cận địa bàn; tập trung nắm chắc tình hình, quản lý chặt các hệ, loại đối tượng ở cơ sở; về cơ bản đảm bảo quy trình, quy định, tiến độ, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

TAND và VKSND tỉnh đã phối hợp tổ chức có hiệu quả các phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH-15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội.

Công tác đào tạo, tự đào tạo của các cơ quan tố tụng cũng đạt nhiều kết quả quan trọng theo hướng chuyên sâu và tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ cao; chất lượng điều tra, truy tố, tranh tụng tại phiên tòa và chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án ngày càng được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp.

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Viện trường VKSND tỉnh đề nghị Liên ngành nỗ lực phối hợp đề ra các giải pháp nhằm thực hiện đúng tiến độ các vụ án thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo...

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả mà liên ngành đã đạt được trong năm qua; nhất trí với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác đã xác định; đồng thời, nhấn mạnh thêm một số vấn đề mà Liên ngành cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới như:

Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, cũng như các nhiệm vụ cải cách tư pháp; Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kế hoạch số 06-KH/TU ngày 02/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW.

Đồng thời, có giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng công tác phát hiện, xử lý án tham nhũng. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; Tập trung phối hợp chặt chẽ để điều tra, truy tố, xét xử những vụ án trọng điểm, phức tạp về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tiêu cực nhất là những vụ án thuộc diện Tỉnh ủy , Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cự của tỉnh theo dõi, chỉ đạo; các vụ án đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm...

leftcenterrightdel
 Đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra điều hành Hội nghị.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với việc thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, cải tiến lề lối làm việc, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ. Tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh để bố trí, sắp xếp hợp lý; trong đó, quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ.

Ba là, thực hiện tốt các biện pháp chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa; kiên quyết không để xảy ra việc đình chỉ điều tra do không phạm tội và trường hợp Viện kiểm sát truy tố mà Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; tiếp tục chủ động đề ra thêm nhiều giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc còn tồn đọng, kéo dài; đồng thời thường xuyên phối hợp rà soát, phân loại, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc tạm dừng, tạm đình chỉ theo đúng tinh thần tại Thông tư liên tịch số 01 ngày 01/6/2020 của Liên ngành Trung ương.

Bốn là, phát huy tốt hơn nữa vai trò, chức năng của từng ngành, đổi mới, tăng cường công tác phối hợp để làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm mới xuất hiện trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Tích cực tổng kết công tác thực tiễn, nghiên cứu dự báo xu hướng tình hình tội phạm và vi phạm, làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật để tham mưu cho cấp ủy, kiến nghị với chính quyền và cơ quan, ngành chức năng giải pháp đấu tranh, phòng ngừa, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Quang Tiến, Viện Trưởng VKSND tỉnh phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo liên ngành, đồng chí Lê Quang Tiến, Viện trưởng VKSND tỉnh cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của Thường trực Tỉnh ủy và các Sở, Ban, Ngành địa phương. Đồng thời, tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, đề nghị liên ngành tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, phục vụ cho sự ổn định và phát triển của tỉnh. Cùng với đó, các đơn vị có các biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phối hợp giải quyết án hình sự giữa các cơ quan Công an, Kiểm sát và Tòa án để xử lý vi phạm và tội phạm có căn cứ và đúng pháp luật./.

Hải Âu