Theo Bộ Tư pháp, Luật TTTP về dân sự là một trong bốn luật được tách ra từ Luật TTTP năm 2007. Trong quá trình tổng kết Luật TTTP phần nội dung TTTP về dân sự, bên cạnh những bất cập chung của Luật TTTP, quy định về TTTP trong lĩnh vực dân sự còn những hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu mới của sự phát triển trong lĩnh vực này, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết, tham gia nhiều điều ước quốc tế mới trong lĩnh vực này cũng như trước các đổi mới về thích ứng linh hoạt sau đại dịch COVID-19 và tận dụng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin.
Theo đó, Luật TTTP hiện hành chưa bao hàm hết các phạm vi TTTP hiện nay, cụ thể phạm vi điều chỉnh của Luật TTTP không bao gồm TTTP trong lĩnh vực hành chính nhưng thực tiễn thực hiện có nhiều yêu cầu TTTP để phục vụ giải quyết các vụ án hành chính.
Thiếu quy định về giá trị pháp lý của kết quả TTTP do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện cũng như quy định về áp dụng pháp luật nước ngoài; thiểu các quy định tạo cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền trong nước xem xét, giải quyết những yêu cầu mới có thể phát sinh từ thực tiễn.
|
|
Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 14 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp. (Ảnh minh hoạ) |
Luật TTTP chưa quy định việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế TTTP về dân sự trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết, gia nhập nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương mới về TTTP trong lĩnh vực dân sự gần đây như Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt), Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ).
Luật TTTP chưa tạo cơ chế để từng bước xã hội hóa hoạt động tống đạt giấy tờ để giảm tải công việc cho cơ quan nhà nước và rút ngắn thời gian thực hiện.
Luật TTTP thiếu cơ sở pháp lý để đa dạng các phương thức thực hiện TTTP mới và ứng dụng công nghệ thông tin trong TTTP về dân sự.
Chính vì những lý do trên, việc xây dựng Luật TTTP về dân sự là yêu cầu cấp thiết khách quan nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong TTTP về dân sự, đáp ứng yêu cầu của công tác này trong tình hình mới. Luật TTTP về dân sự được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, kế thừa các quy định TTTP trong lĩnh vực dân sự còn phù hợp của Luật TTTP và các văn bản hướng dẫn thi hành, bổ sung các nội dung mới, đáp ứng các yêu cầu phát triển của hội nhập quốc tế và yêu cầu, đặc thù riêng của hoạt động TTTP về dân sự.
Về mục đích xây dựng Luật nhằm hoàn thiện pháp luật TTTP về dân sự theo hướng hiện đại, khả thi, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ quy trình giải quyết các vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng) và vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả; giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng có liên quan, tăng cường khả năng thực hiện quyền tiếp cận công lý của người dân; tạo nền tảng cho việc ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế về TTTP trong lĩnh vực dân sự.
Về bố cục, dự thảo Luật gồm 5 chương, 41 điều. Trong đó, liên quan đến nguyên tắc TTTP về dân sự, dự thảo Luật quy định: TTTP về dân sự được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cũng theo dự thảo Luật quy định, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối tiếp nhận yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự của Việt Nam và nước ngoài.
Về phạm vi TTTP về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài bao gồm: Tống đạt giấy tờ; thu thập, cung cấp chứng cứ; triệu tập người làm chứng, người giám định; các yêu cầu TTTP về dân sự khác.