Tham dự hội nghị có chuyên gia Matsuo Nobuhiro, Kiểm sát viên Nhật Bản, đại diện Dự án Jica; đại diện một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; đại diện VKSND và CQĐT 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực miền Bắc; đại diện một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an…

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, Luật tương trợ tư pháp được Quốc hội thông qua năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Qua 10 năm thực hiện, Luật đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng trong nước lập, gửi các yêu cầu tương trợ tư pháp đề nghị nước ngoài thực hiện và tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. 

Luật đã góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, nâng cao hiệu quả hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Công phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thi hành Luật tương trợ tư pháp năm 2007 cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, việc hoàn thiện khung pháp lý về tương trợ tư pháp hình sự để đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn là cần thiết.

Đồng chí cho biết, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã giao VKSND tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tổng kết, lập đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Chính vì thế, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, lãnh đạo VKSND tối cao đã giao Vụ 13 chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị này.

Nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa và nội dung của hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, kết quả của hội nghị sẽ góp phần quan trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự hiện nay, đồng thời góp phần thực hiện kế hoạch nghiên cứu sửa đổi Luật tương trợ tư pháp năm 2007, xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ 14, VKSND tối cao giới thiệu về Kế hoạch sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007; đại diện lãnh đạo, cán bộ Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13), VKSND tối cao trình bày tham luận về thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự của VKSND tối cao với vai trò là cơ quan Trung ương về tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam; đồng thời giới thiệu về phiếu khảo sát thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự phục vụ việc sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

leftcenterrightdel
Chuyên gia pháp luật, Kiểm sát viên Nhật Bản Matsuo Nobuhiro trình bày tham luận tại hội nghị 
leftcenterrightdel
Đại diện lãnh đạo Vụ 14 - VKSND tối cao trình bày tham luận 
leftcenterrightdel
Đại diện Vụ 13 - VKSND tối cao giới thiệu phiếu khảo sát thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự phục vụ việc sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007

Cũng tại hội nghị, chuyên gia pháp luật, Kiểm sát viên Nhật Bản Matsuo Nobuhiro đã trình bày nội dung về thực tiễn tương trợ tư pháp hình sự của Nhật Bản trong những vụ án hình sự xuyên quốc gia, đề xuất nội luật hóa để khắc phục vướng mắc.

Theo chương trình, chiều cùng ngày, hội nghị sẽ được nghe tham luận về thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp hình sự của hệ thống CQĐT trong Công an nhân dân; đồng thời, nghe đại diện Vụ 13, VKSND tối cao trình bày hướng dẫn việc lập hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự…   

 

Đắc Thái