Tham dự Hội nghị có đại biểu đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Ban Thư kí ASEAN. Timor-Leste tham gia Hội nghị với tư cách là quan sát viên.

Tại Hội nghị, Trưởng đoàn các quốc gia ASEAN đã có bài phát biểu chia sẻ về hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự nói chung và tình hình thực hiện các yêu cầu tương trợ nói riêng giai đoạn 2022 - 2024. Các quốc gia thành viên cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức để thúc đẩy hiệu quả của hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự trong khu vực ASEAN trong tương lai.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tại Hội nghị.

Đồng thời, Hội nghị đã cập nhật tiến độ xây dựng Mẫu yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia ASEAN của Nhóm công tác về Mẫu yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự. Đặc biệt, kết thúc Hội nghị, các quốc gia thành viên ASEAN đã đồng thuận thống nhất thông qua Hướng dẫn việc gia nhập Hiệp định ASEAN về tương trợ tư pháp về hình sự năm 2004 của các quốc gia ngoài khu vực ASEAN.

Việc tham gia Hội nghị lần này của Đoàn đại biểu VKSND tối cao Việt Nam đã đạt được những mục tiêu đề ra. Theo đó, Việt Nam đã khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc tế để đấu tranh với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đặc biệt là trong khu vực ASEAN nhằm hỗ trợ và nâng cao quan hệ hợp tác giữa các quốc gia ASEAN đi vào chiều sâu và thực chất.

leftcenterrightdel
 Ông Cahyo R. Muzhar, Tổng vụ trưởng Vụ pháp luật, Bộ Pháp luật và nhân quyền nước Cộng hoà Indonesia tặng quà lưu niệm cho Vụ trưởng Vụ 13, VKSND tối cao Vũ Thị Hải Yến.

Bên cạnh đó, tăng cường tiếp xúc và gắn kết sự hiểu biết giữa các Cơ quan trung ương trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự của các quốc gia ASEAN; đồng thời góp phần tiếp tục khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong Cộng đồng ASEAN nhằm hướng tới một ASEAN “Một Tầm nhìn - Một bản sắc - Một Cộng đồng”.

Vụ 13, VKSND tối cao