(BVPL) - Sau khi nghiên cứu Điều 112 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và căn cứ vào thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ pháp chế, tôi đề nghị bổ sung vào mục 1 Điều 112 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chức năng “kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội” (chức năng kiểm sát chung) như Hiến pháp năm 1992 (trước khi sửa đổi năm 2001) và các bản Hiến pháp trở về trước của nước ta đã ghi nhận. Bởi các lý do sau:

 


VKSND luôn là một hệ thống cơ quan Nhà nước có các nguyên tắc tổ chức và hoạt động đặc thù, có vị trí độc lập trong bộ máy Nhà nước. Nhiệm vụ của VKS đã được ghi nhận nhất quán trong Hiến pháp là “bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân”.

Xuất phát từ nhiệm vụ quan trọng nêu trên, đòi hỏi ngành Kiểm sát phải thực hiện đồng bộ hai chức năng quan trọng là: “Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật (bao gồm cả kiểm sát chung)”. Trong đó, phạm vi thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật là, ngoài việc kiểm sát tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án, bắt, giam giữ và cải tạo; hoạt động kiểm sát chung còn kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan hành pháp từ cấp Bộ trở xuống, của chính quyền địa phương các cấp, của các cơ quan, tổ chức và công dân trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, để thông qua đó kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý khắc phục vi phạm pháp luật như thực hiện không đúng luật hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trái với luật .

Thực tiễn đã chứng minh, từ năm 1986 đến năm 2000, quán triệt quan điểm về đường lối đổi mới của Đảng và được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, cũng như sự ủng hộ của cấp ủy và chính quyền địa phương, toàn ngành Kiểm sát, thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội đã tập trung kiểm sát những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm có nhiều vi phạm pháp luật, thông qua đó đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm pháp luật, góp phần đáng kể vào việc tăng cường công tác quản lý hành chính, kinh tế, xã hội theo pháp luật.

Mặt khác, hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKS còn là một bảo đảm pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ của công dân; đồng thời khắc phục được tình trạng lạm quyền của cán bộ, cơ quan Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Sau hơn 10 năm bỏ chức năng kiểm sát chung (kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật và kiểm sát xử phạt vi phạm hành chính) đã cho thấy: có rất nhiều các quan hệ pháp luật liên quan đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân do các văn bản trái pháp luật được ban hành cũng như có không ít các quyết định xử lý vi phạm hành chính áp dụng sai pháp luật, thậm chí xử phạt tuỳ tiện… đã xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền tự do, dân chủ của công dân, nhưng lại để phó mặc cho người dân “tự định đoạt” trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Hiện nay, trong điều kiện cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, hơn bao giờ hết đòi hỏi chức năng kiểm sát chung của ngành Kiểm sát phải được mở rộng và tăng cường. Bởi vì: trong điều kiện kinh tế thị trường, Nhà nước giảm thiểu sự can thiệp của mình vào những quan hệ kinh tế của các bên và chỉ đóng vai trò là người tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua các thiết chế kinh tế vĩ mô, trong đó có vai trò của pháp luật. Do vậy, mặt trái không tránh khỏi của kinh tế thị trường là biểu hiện của chủ nghĩa cục bộ địa phương, bản vị, nạn tham nhũng, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên sẽ có chiều hướng gia tăng…. Từ đó sẽ tất yếu dẫn đến tình trạng cố ý làm trái, không tuân thủ pháp luật, phá vỡ tính thống nhất của pháp chế và làm giảm sút hiệu quả quản lý xã hội bằng pháp luật của Nhà nước.

Một khi pháp luật do Nhà nước lập ra nhưng không được chấp hành nghiêm chỉnh, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa không được tôn trọng thì cần phải có một cơ quan và trao cho cơ quan này quyền giám sát tối cao việc tuân theo pháp luật của tất cả các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương và mọi công dân trong việc chấp hành pháp luật. Do vậy, để bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”,  tôi kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung vào Hiến pháp sửa đổi lần này chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhân dân giống như các bản Hiến pháp trước đây của nước ta đã ghi nhận.
 

Mai Hòa (ghi)

.