Vụ trưởng Vụ 3, VKSND tối cao Đỗ Mạnh Bổng: “Phân công rõ người, rõ việc, ấn định thời gian hoàn thành”

Trong năm 2018, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), VKSND tối cao, đã tăng cường quan hệ phối hợp và phát huy trách nhiệm thực hành quyền công tố (THQCT), kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố của CQĐT Bộ Công an và Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan. Công tác kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác tội phạm bảo đảm các quyết định giải quyết tố giác, tin báo có căn cứ, theo đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

Tỷ lệ giải quyết đạt 80% (tăng 13,3% so với năm 2017). Đối với các vụ việc quá hạn giải quyết, Vụ 3 đều ban hành văn bản nêu rõ vi phạm và đôn đốc tiến độ xác minh, giải quyết.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao trao quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ 3, VKSND tối cao.

Trong công tác THQCT, kiểm sát điều tra (KSĐT) án trong giai đoạn điều tra, truy tố đã bảo đảm căn cứ khởi tố vụ án, khởi tố bị can; áp dụng các biện pháp tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố đúng pháp luật, nên các trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự đều bảo đảm có căn cứ và đúng pháp luật; không có trường hợp nào Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội, tuyên phạt tù bằng thời gian tạm giam hoặc miễn hình phạt. Không có bị cáo Tòa án xét xử tuyên khác tội danh Viện kiểm sát truy tố.

Tỷ lệ giải quyết đạt 78,8%, vượt chỉ tiêu thi đua 7,8% và tăng 19% so với năm 2017 (59,8%). Bảo đảm 100% vụ án đều có các yêu cầu điều tra theo tiến độ điều tra vụ án; Kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung hoặc tham gia cùng Điều tra viên hỏi cung đối với 100% bị can; tăng cường tham gia hỏi cung bị can và lấy lời khai người có liên quan để bảo đảm căn cứ khởi tố, truy tố bị can; giải quyết các khiếu nại trong hoạt động tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, đơn vị đã chủ động, kịp thời yêu cầu và tăng cường phối hợp với CQĐT áp dụng các biện pháp tố tụng để thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, gây thất thoát trong các vụ án, không để đối tượng chuyển nhượng, che giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản. Điển hình như: Vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín; quá trình điều tra, Vụ 3 đã yêu cầu Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản của Hứa Thị Phấn để yêu cầu thay đổi tội danh từ tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; đồng thời, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với các bị can là người thân của bị can Hứa Thị Phấn.

Từ đó, Viện kiểm sát yêu cầu và phối hợp chặt chẽ với CQĐT xác minh, làm rõ nhiều tài sản là bất động sản, cổ phiếu, cổ phần của bị can Hứa Thị Phấn đã để các đối tượng có quan hệ gia đình đứng tên. Kết quả: Đã kê biên 158 bất động sản của bị can Hứa Thị Phấn và các đồng phạm, 27 bất động sản của các cá nhân có liên quan và phong tỏa 26 tài khoản, chứng khoán, với tổng trị giá các tài sản khoảng trên 10.000 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Hội đồng xét xử vụ án Huỳnh Công Thiện và đồng phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, xảy ra tại BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn. 

Cũng theo Vụ 3, trong năm qua không có trường hợp nào bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam không có căn cứ, trái pháp luật hoặc bị giam, giữ quá hạn; tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm đáng kể. Năm 2018, Vụ 3 thụ lý THQCT và KSĐT 24 vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) theo dõi, chỉ đạo; 2 vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc.

Có nhiều vụ án, sau khi nhận hồ sơ kết thúc điều tra, chỉ trong thời gian từ 3 ngày đến 7 ngày, Vụ 3 đã trình ký ban hành cáo trạng truy tố, như: Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm “Tham ô tài sản” xảy ra tại PVP Land; vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại PVN; vụ án Huỳnh Công Thiện và đồng phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, xảy ra tại BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn.

Cũng trong năm 2018, Vụ 3 thụ lý 32 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Đã khởi tố 4 vụ án; Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đang tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ 28 vụ việc; Vụ 3 đôn đốc kết thúc việc kiểm tra, xác minh để thống nhất quan điểm giải quyết các vụ việc theo thời hạn của Ban Chỉ đạo đề ra.

Trong công tác giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Vụ đã thực hiện nghiêm túc việc báo cáo định kỳ hoặc báo cáo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo về tiến độ, kết quả giải quyết và những khó khăn, vướng mắc. Đơn vị đã chủ động yêu cầu và phối hợp với CQĐT, cơ quan xét xử thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nên các vụ án đều được giải quyết theo đúng tiến độ đề ra và hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Các vụ án đã truy tố, đã xét xử đều bảo đảm đúng tiến độ về thời gian theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, bảo đảm việc truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Đặc biệt, đơn vị đã cử 6 Kiểm sát viên THQCT & KSXX sơ thẩm tại 6 phiên tòa, bảo đảm sự phối hợp hiệu quả và được dư luận ủng hộ, đồng tình trong quá trình xét xử và kết quả xét xử các vụ án: Hứa Thị Phấn, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Đặng Thanh Bình, Hoàng Thế Trung, Huỳnh Công Thiện; các Kiểm sát viên THQCT và KSXX các vụ án này đã được Viện trưởng VKSND tối cao khen thưởng về thành tích đột xuất.

Thông qua công tác THQCT và KSĐT, Vụ 3 đã ban hành 3 kiến nghị xử lý vi phạm hành chính, xem xét trách nhiệm đối tượng vi phạm pháp luật và khắc phục vi phạm; các kiến nghị và yêu cầu kiến nghị đều được tiếp thu, thực hiện và khắc phục kịp thời. Vụ 3 tham mưu đề xuất Lãnh đạo VKSND tối cao có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích việc áp dụng điểm e, khoản 1, Điều 2 Nghị quyết 41/2017-QH14 để thống nhất xử lý hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, đơn vị đã ban hành 4 thông báo yêu cầu kiểm điểm, khắc phục vi phạm về quy chế nghiệp vụ, quy chế về thông tin, báo cáo trong ngành KSND; các thông báo đều được tiếp thu, kiểm điểm và khắc phục kịp thời…

Theo Vụ trưởng Vụ 3, VKSND tối cao Đỗ Mạnh Bổng, có được những kết quả trên, trong năm 2018, đơn vị đã đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành theo hướng “Phân công rõ người, rõ việc, ấn định thời gian hoàn thành”, đề cao trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo Vụ và Kiểm sát viên; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ; tăng cường chỉ đạo phối hợp công tác giữa các đơn vị trong Vụ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

Vụ trưởng Vụ 5, VKSND tối cao Tăng Ngọc Tuấn: Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đột phá

Trao đổi với Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ (Vụ 5), VKSND tối cao Tăng Ngọc Tuấn cho biết: Năm 2018, Vụ 5 đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác quan trọng, nổi bật là: Kịp thời xây dựng và triển khai chương trình công tác năm 2018; hướng dẫn nghiệp vụ địa phương; ban hành 1 thông tư liên tịch; hoàn thành 4 chuyên đề nghiệp vụ; xây dựng quy chế phối hợp; các báo cáo phục vụ: Hội nghị phòng chống tham nhũng năm 2018, Phiên họp Ban Chỉ đạo, 2 Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo về công tác kiểm tra, giám sát và thu hồi tài sản.

Nhiều chỉ tiêu công tác có sự chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2017, như: Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm tăng 14,6%; tỷ lệ giải quyết án tại CQĐT tăng 3,7%; giải quyết án tồn tăng 15,9%; truy tố đúng tội, đúng thời hạn 100%; không có tạm giữ hình sự, chuyển xử lý hành chính; không có trường hợp bị giam, giữ trái pháp luật, không có bị can nào đình chỉ điều tra do không phạm tội; tỷ lệ xét xử các vụ án do Vụ 5 truy tố tăng 31,5%, không có bị cáo bị Tòa án tuyên không phạm tội; không có án bị hủy để điều tra lại; tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giảm 12,7%; không có vụ án Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung do để lọt tội phạm và người phạm tội. 

leftcenterrightdel
Vụ trưởng Vụ 5, VKSND tối cao Tăng Ngọc Tuấn. 

Đáng lưu ý, các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được lãnh đạo Vụ tập trung chỉ đạo giải quyết, kết quả đã kịp thời đưa ra xét xử 4 vụ bảo đảm đúng tiến độ, đúng yêu cầu, được Ban Chỉ đạo đánh giá cao. Giải quyết 100% các vụ án do cấp dưới thỉnh thị bảo đảm đúng hạn, đúng pháp luật. Giải quyết 100% các đơn, kiến nghị và thông tin báo chí nêu có liên quan đến trách nhiệm của đơn vị. Ban hành 1 thông báo rút kinh nghiệm về việc chấp hành chế độ báo cáo liên quan đến trách nhiệm quản lý của đơn vị. Ngoài ra, Vụ đang tích cực tham mưu cho lãnh đạo Viện đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 30/2018/NĐ-CP về thành lập hội đồng định giá tài sản; đề xuất với Ban Chỉ đạo về giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế liên quan đến giám định xác định hậu quả thiệt hại, thu hồi tài sản.

Bên cạnh đó, trong năm 2018, Vụ 5 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: “Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, phấn đấu nâng cao tỷ lệ giải quyết, bảo đảm việc giải quyết đúng pháp luật, không xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm” và “Tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố, hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật”.

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đột phá, lãnh đạo Vụ 5 đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong THQCT&KSĐT, giải quyết các vụ án như: Tranh thủ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Viện, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương; thành lập tổ chuyên án với các Kiểm sát viên cao cấp có kinh nghiệm để phối hợp với CQĐT giải quyết các vụ án, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; lãnh đạo Vụ phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng, trình độ của các Kiểm sát viên, trực tiếp cùng Kiểm sát viên nghiên cứu, trao đổi, đánh giá tài liệu, chứng cứ, kịp thời đề xuất đường lối giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án. Các vụ án truy tố, xét xử bảo đảm đúng tội, đúng thời hạn 100%; các vụ án được giải quyết bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật, không xảy ra oan sai.

Kết quả giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo cho thấy, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo tại các Phiên họp 13, 14 của Ban Chỉ đạo, Lãnh đạo Viện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ  phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, khẩn trương kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

Trong kỳ, Vụ 5 đã thụ lý điều tra 17 vụ/82 bị can; CQĐT kết thúc điều tra đề nghị truy tố 7 vụ/37 bị can; tạm đình chỉ điều tra 1 vụ/1 bị can; đang điều tra 9 vụ/44 bị can. Viện kiểm sát đã ban hành cáo trạng truy tố 7 vụ/37 bị can (đạt 100%). Tòa án đã xét xử sơ thẩm 7 vụ/37 bị cáo (đạt 100%).

Các vụ án đưa ra xét xử đúng tiến độ, được Ban Chỉ đạo và lãnh đạo Viện đánh giá cao chất lượng công tác THQCT và công tác phối hợp với các cơ quan tố tụng. Điển hình, Vụ 5 được giao thụ lý, giải quyết 2 chuyên án lớn, cụ thể:

Thứ nhất, vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng các đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, đối tượng phạm tội là những người đã từng giữ các chức vụ cao như Đinh La Thăng, nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Đại biểu Quốc hội; Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN... và được sự chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo, vụ án đã được đưa ra xét xử trước Tết Nguyên đán 2018.

Thứ hai, chuyên án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và các đồng phạm, đến nay đã khởi tố, giải quyết 5 vụ/34 bị can về các tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về quản lý, đất đai; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, đã làm rõ và khởi tố nhiều bị can từng giữ chức vụ lãnh đạo cao của UBND TP. Đà Nẵng; TP. Hồ Chí Minh và 02 thứ trưởng của Bộ Công an.

Trong đó, đã khẩn trương đưa ra truy tố, xét xử được 1 vụ/3 bị cáo về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”. Trong các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, để đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước, VKSND tối cao (Vụ 5) đã phối hợp với CQĐT tiến hành phong tỏa số tiền 250 tỷ đồng tại Đà Nẵng và Hồ Chí Minh; đã kê biên 25 tài sản là bất động sản của Phan Văn Anh Vũ, định giá ước tính 1.000 tỷ đồng...

leftcenterrightdel
Căn nhà này là một  trong những bất động sản của Phan Văn Anh Vũ, đã được phong tỏa để bảo đảm thu hồi tài sản cho Nhà nước. Ảnh:M.T 

Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ theo dõi, quản lý, tham mưu báo cáo kết quả giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, Vụ 5 đã tham mưu cho Ban cán sự đảng và Lãnh đạo VKSND tối cao hoàn thành các nhiệm vụ: Xây dựng báo cáo phục vụ Hội nghị phòng chống tham nhũng toàn quốc năm 2018; các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Chủ trì xây dựng, ban hành Thông tư liên ngành số 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP “Quy định, những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định trong giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế”. Hoàn thành 4 chuyên đề được giao tại kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, trong đó có chuyên đề về “Tình hình, kết quả công tác đấu tranh chống tham nhũng của ngành KSND; ưu điểm và hạn chế trong tổ chức và hoạt động của đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thuộc VKSND tối cao”.

Đồng thời, đơn vị đã hoàn thành các báo cáo quan trọng phục vụ Ban cán sự đảng VKSND tối cao làm việc với Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo về sơ kết 5 năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và về kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế từ ngày 1/1/2013 đến 30/9/2018... 

P.V