Từ năm 1945 đến năm 1958, cơ quan Công tố nước ta chưa được tổ chức thành một hệ thống cơ quan độc lập mà được đặt trong hệ thống cơ quan Tòa án, được giao thực hiện đồng thời hai chức năng là: Thực hành quyền công tố và giám sát các hoạt động tư pháp (chỉ đạo điều tra, trực tiếp điều tra một số loại tội phạm; quyết định việc truy tố; buộc tội trước tòa; kháng cáo bản án, quyết định của tòa án và giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xét xử, giam giữ, cải tạo và thi hành án; tham gia trong một số loại việc dân sự quan trọng để bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích của xã hội). Chức năng, nhiệm vụ đó của cơ quan Công tố nước ta có nhiều điểm tương đồng với Viện Công tố nhiều nước theo truyền thống luật của châu Âu, điển hình là nước Cộng hòa Pháp. 
 
Đến năm 1959, cơ quan Công tố được tách ra khỏi hệ thống Tòa án, trở thành hệ thống cơ quan độc lập và trực thuộc Chính phủ, chịu sự lãnh đạo của Chính phủ. Hệ thống Viện Công tố ở các địa phương
được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc song trùng trực thuộc, vừa chịu sự lãnh đạo của Viện Công tố cấp trên về chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời chịu sự lãnh đạo của Ủy ban hành chính cùng cấp. Viện Công tố được tổ chức thành 4 cấp phù hợp với hệ thống Tòa án (Viện Công tố Trung ương, Viện Công tố phúc thẩm được tổ chức theo vùng, Viện Công tố cấp tỉnh và Viện Công tố cấp huyện). Theo quy định tại Nghị định số 256-TTg ngày 01/7/1959 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ và tổ chức Viện Công tố Trung ương và hệ thống Viện Công tố thì Viện Công tố có chức năng, nhiệm vụ: Điều tra và truy tố trước Tòa án những kẻ phạm tội; giám sát việc chấp hành luật pháp trong công tác điều tra, xét xử, thi hành các bản án về hình sự, dân sự; giam giữ và cải tạo; khởi tố và tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân.  
 
Đồng chí Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng chí Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
 
Vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới: Nhà nước ta vừa thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, vừa thực hiện nhiệm vụ quản lý kinh tế - xã hội theo một kế hoạch thống nhất nhằm tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, cải cách bộ máy nhà nước. Trong tình hình đó, việc cải cách cơ quan Công tố và thành lập Viện kiểm sát nhân dân trở thành yêu cầu khách quan, tất yếu.
 
Quan điểm của V.I. Lênin về pháp chế thống nhất đã đặt ra vấn đề phải thành lập Viện kiểm sát nhân dân ở các nước xã hội chủ nghĩa. Trong tác phẩm “Nguyên tắc song trùng lãnh đạo và vấn đề pháp chế”, V.I. Lênin cho rằng, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải có được pháp chế thống nhất. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với việc xây dựng chế độ pháp trị chính là sự can thiệp của địa phương xuất phát từ động cơ tư lợi hoặc cục bộ địa phương chủ nghĩa. Với việc áp dụng nguyên tắc “song trùng” lãnh đạo trong lĩnh vực pháp chế thì cơ quan chuyên môn ở địa phương phải đặt đồng thời dưới sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản và Ủy ban hành chính; đây là một sự sai lầm về mặt nguyên tắc. Theo Lê-nin thì phải thành lập cơ quan Viện kiểm sát “có quyền và phận sự làm một việc là “Bảo đảm cho pháp chế được hiểu biết thống nhất và thông suốt trong toàn nước cộng hòa, bất kể những đặc điểm của địa phương và sự can thiệp của nhà chức trách địa phương”. 
 
Hiến pháp năm 1959 đã ghi nhận chế định Viện kiểm sát nhân dân, trong đó xác định vị trí, chức năng và các nguyên tắc cơ bản về tổ chức và hoạt động của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam. Theo Hiến pháp năm 1959, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền trong phạm vi do luật định (Điều 105). Viện kiểm sát nhân dân các cấp chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 107). Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Điều 108). 
Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, để chuẩn bị thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Đảng đoàn Viện Công tố Trung ương có văn bản gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân như sau: 
 
- Về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân: “Tuy tình hình trước mắt cần tập trung mũi nhọn đấu tranh vào bọn phản cách mạng và bọn tội phạm hình sự khác, nghĩa là phải chú trọng công tác công tố nhiều hơn, nhưng vẫn cần thiết qui định có công tác kiểm sát chung (công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế- xã hội)”.  
 
- Về tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân: “Căn cứ vào những nguyên tắc chung đã được thông qua và nêu trong Hiến pháp sửa đổi, để thực hiện nguyên tắc dân chủ tập trung, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tổ chức theo nguyên tắc cá nhân phụ trách trên cơ sở lãnh đạo tập thể..., cho thích hợp với điều kiện, trình độ cán bộ nước ta”.
 
- Về bảo đảm sau khi Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân được ban hành sẽ được tôn trọng và thi hành nghiêm chỉnh, văn bản đề nghị: “Trong dịp đưa ra lấy ý kiến của các ngành có liên quan, chúng tôi nhận thấy có khuynh hướng tư tưởng ở một số đồng chí là ngại mình bị kiểm sát. Chúng tôi đề nghị sau khi bản dự luật được thông qua, Ban Bí thư có kế hoạch lãnh đạo tư tưởng trong cán bộ toàn Đảng thông suốt với sự cần thiết phải có chế độ kiểm sát chung để mọi người thấy việc kiểm sát chung chính là có lợi cho mọi cơ quan nhà nước và lợi cho công tác cách mạng”.
 
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá II, Đảng đoàn Viện Công tố Trung ương có văn bản tiếp tục làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn của các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, trong đó có nội dung: Hiến pháp năm 1959 đã quy định những nguyên tắc căn bản của Viện kiểm sát nhân dân trong các Điều 105, 106, 107, 108. 
 
Tháng 7 năm 1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khoá II, đã thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân gồm 6 Chương, 25 Điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân và đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố ngày 26/7/1960. Đây là một trong các đạo luật quan trọng, đánh dấu sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước ta. Có thể nói, việc xác định vị trí tổ chức và nguyên tắc tổ chức theo hệ thống dọc của Viện kiểm sát nhân dân là một bước tiến mới bảo đảm tốt nhất cho việc thực hiện chế độ pháp chế thống nhất trong lịch sử nước ta.
 
Cùng với việc thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt - một cán bộ lão thành có nhiều kinh nghiệm của Đảng sang lãnh đạo, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân. Tại Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 của ngành Kiểm sát vào ngày 02/8/1960, đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh đến sự cần thiết và trách nhiệm to lớn của Viện kiểm sát nhân dân: “Việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân chính là để đảm bảo nhiệm vụ chuyên chính dân chủ nhân dân, thực hiện dân chủ rộng rãi và phát triển nền dân chủ ấy. Việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân có mục đích bảo đảm pháp chế dân chủ nhân dân được tôn trọng, luật pháp được tôn trọng, quyền lợi chính đáng của nhân dân được tôn trọng. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước và mọi người công dân là rất quan trọng. So với Công tố trước kia thì nhiệm vụ đã mở rộng, quyền hạn lớn lên... Kiểm sát là làm thế nào bảo đảm trấn áp phản cách mạng, không để chúng lọt lưới hoành hành, đảm bảo giữ gìn trật an ninh, tài sản và quyền lợi chính đáng của nhân dân”.  
 
Thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, tại phiên họp từ ngày 24 đến ngày 29/4/1961, Thường trực Quân ủy Trung ương đã ra quyết nghị tổ chức Viện kiểm sát quân sự trong Quân đội và chỉ định đồng chí Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị giữ chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương. Thi hành quyết nghị trên của Thường trực Quân ủy Trung ương, ngày 12/5/1961, Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng đã ra Thông tri số 06/TTH hướng dẫn tổ chức các Viện kiểm sát quân sự. Ngày 12/5/1961 được xác định là ngày thành lập ngành Kiểm sát quân sự (Theo Quyết định số 2628/QĐ-BQP ngày 07/8/2009 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng). Quá trình hình thành phát triển của Viện kiểm sát quân sự các cấp gắn liền với quá trình hình thành phát triển của hệ thống Viện kiểm sát nhân dân và của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng, Viện kiểm sát quân sự luôn tồn tại trong mối quan hệ khăng khít với Viện kiểm sát nhân dân.  
 
Như vậy, dựa trên nền tảng lý luận của V.I. Lênin về pháp chế thống nhất, Hiến pháp năm 1959, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 là những căn cứ pháp lý quan trọng cho sự ra đời hệ thống cơ quan Viện kiểm sát nhân dân của nước Việt Nam với tư cách là một trong các hệ thống cơ quan nhà nước độc lập, thực thi quyền lực nhà nước, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất từ phía các cơ quan, nhân viên nhà nước và mọi công dân, là một yêu cầu khách quan. Với nhiệm vụ và quyền hạn như vậy, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện hai công tác chủ yếu là công tác kiểm sát chung và công tác công tố. Để bảo đảm thực hiện thẩm quyền của mình, Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất theo ngành dọc, chỉ trực thuộc cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất (Quốc hội) và độc lập với hệ thống các cơ quan hành pháp. Chế định Viện kiểm sát nhân dân đã thể hiện quan điểm đổi mới của Đảng về tổ chức bộ máy nhà nước ta, xuất phát từ tính chất của Nhà nước dân chủ nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới./.
 
LẠI HỢP VIỆT
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế)