Bộ GTVT vừa chính thức công bố quy hoạch chi tiết đường sắt khu đầu mối TP Hồ Chí Minh với 8 tuyến đường sắt kết nối thành phố với các tỉnh, thành phố lân cận. Theo quy hoạch, khi hoàn thành các tuyến đường sắt này sẽ giúp tàu hỏa đạt vận tốc tối thiểu cấp 1 là 120 km/h.

 


Quy hoạch nêu trên căn cứ vào Quyết định 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-4-2013 về việc "Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020". Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Cục phó Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT), 8 tuyến đường sắt gồm Trảng Bom (Đồng Nai) - Hòa Hưng (Sài Gòn), Dĩ An - Lộc Ninh, TP Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, Thủ Thiêm - Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, TP Hồ Chí Minh - Tây Ninh, đường sắt chuyên dụng cảng Hiệp Phước. Cả 8 tuyến đều được thiết kế với tiêu chuẩn chạy tàu với vận tốc tối thiểu cấp 1 là 120 km/h, gấp đôi so với tốc độ tàu nhanh hiện nay. Đặc biệt, 8 tuyến này đều sẽ là đường sắt đôi.

Để đạt được vận tốc đó, một trong những vấn đề được quan tâm nhất là khổ rộng đường sắt. Theo Thạc sĩ Phạm Sanh, nguyên giảng viên Trường ĐH GTVT thành phố, hiện đường sắt Bắc - Nam, với khổ rộng hiện tại là 1m đã không còn phù hợp với nhu cầu thực tế, trong khi theo tiêu chuẩn quốc tế, khổ đường sắt đều rộng trên 1,4m vừa bảo đảm an toàn, vừa nâng cao tốc độ chạy tàu. Giải đáp vấn đề này, ông Đặng Minh Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (Tedi South, đơn vị lập quy hoạch chi tiết) cho biết, các tuyến này sẽ được kết nối tại 5 ga đầu mối ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương… Trong quy hoạch chi tiết, đã đưa ra phương án mở rộng đường sắt theo khổ rộng tiêu chuẩn lên đến 1,435m.

Vấn đề khác, hầu như 8 tuyến đường sắt theo quy hoạch đều qua khu vực dân sinh đông nên để bảo đảm an toàn giao thông là rất đáng quan tâm. Theo ông Nguyễn Văn Doanh, ngành đường sắt Việt Nam rất coi trọng vấn đề này nên sẽ đầu tư lớn cho hệ thống chống ồn cũng như bảo đảm an toàn. Cụ thể, trong 8 tuyến trên, ngành đường sắt sẽ xây dựng gần 124km đường hoặc cầu đi trên cao tại các điểm giao cắt với đường dân sinh. Tại TP Hồ Chí Minh, sẽ phải làm gần 59km đường cầu trên cao, Đồng Nai gần 51km, Bình Dương hơn 9km… Như vậy, khi dự án được triển khai trước năm 2020 thì các tiêu chí về an toàn, tiêu chuẩn thiết kế, thẩm mỹ đều được bảo đảm.

Theo quy hoạch thì 8 tuyến đường sắt sẽ "ngốn" hơn 1.458ha đất ở các địa phương. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có diện tích bị ảnh hưởng lớn nhất với 508ha, tiếp đến là Đồng Nai (377ha), Bình Dương (314ha), Bà Rịa - Vũng Tàu (45ha), Long An (197ha) và Tây Ninh (gần 16ha). Cục Đường sắt đề nghị trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động công bố rộng rãi cho chính quyền sở tại và người dân biết rõ quy hoạch, cắm mốc phân vùng… Vấn đề đặt ra, tình trạng đất quy hoạch bị lấn chiếm đã thành "căn bệnh" trầm kha ở các tỉnh, thành phố nêu trên, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, nên nếu chỉ công bố quy hoạch mà không có giải pháp phù hợp và sự quyết liệt của các địa phương thì nguy cơ khó khăn cho dự án là rất lớn.
 

Theo Hà Nội mới

.