Nhờ đó, mạng lưới giao thông nông thôn được mở rộng, cứng hóa, tạo đà vững chắc để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng cải thiện điều kiện sống của người dân nơi đây. 

Quan Sơn hiện có hơn 600km đường giao thông. Được sự quan tâm của Nhà nước, nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư nâng cấp sửa chữa như: đường giao thông từ bản Hiềng đi bản Sa Ná (Na Mèo); đường giao thông từ bản Na Ấu đi bản Cha Lung (Tam Thanh); nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ xã Sơn Lư đi xã Tam Lư; nối tiếp đường giao thông xã Trung Thượng đi xã Sơn Lư; đường giao thông từ Quốc lộ 217 đi bản Sủa, xã Sơn Điện; đường giao thông xã Sơn Hà đi xã Tam Lư; tuyến đường liên xã Tam Lư đi Tam Thanh...

Đơn cử như tuyến đường từ xã Tam Lư đi xã Tam Thanh có chiều dài hơn 10km. Những năm trước đây, tuyến đường này mới chỉ đổ bê tông được hơn 5km, còn lại là đường đất, đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc giao thương. Năm 2020, được sự quan tâm của Nhà nước, tuyến đường được nâng cấp với tổng mức đầu tư gần 55 tỷ đồng và hoàn thành vào cuối năm 2022.

Chủ tịch UBND xã Tam Thanh Hà Văn Tựng cho biết: Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của xã. Được sự quan tâm của Nhà nước tuyến đường được nâng cấp cải tạo, sửa chữa đáp ứng nhu cầu giao thương của Nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt là các cháu học sinh không phải lội bùn đất đi học. Hiện nay, các tuyến đường giao thông liên bản của xã được cứng hóa đạt tỷ lệ 90%.

Hiện nay, nhiều công trình trên địa bàn huyện Quan Sơn đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng được đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như: xây dựng mới Trường Tiểu học Tam Thanh; Trường Tiểu học và THCS Trung Xuân; đường giao thông vào bản Xa Mang, xã Sơn Điện đi bản Pa, xã Tam Thanh...

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Quan Sơn có 3 bản có đồng bào dân tộc Mông sinh sống là bản Ché Lầu (xã Na Mèo), bản Mùa Xuân và Xía Nọi (xã Sơn Thuỷ). Đây là những bản xa xôi, đường sá đi lại và đời sống đồng bào khó khăn nhất huyện Quan Sơn. Để tạo thuận lợi cho việc đi lại của bà con ở các bản Mông, những năm qua huyện Quan Sơn đã đầu tư làm đường giao thông đi các bản Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy) với chiều dài 1,3 km; đường giao thông từ bản Son đi Ché Lầu (xã Na Mèo) với chiều dài 5,138 km; từ bản Ché Lầu, xã Na Mèo đến bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy 4 km. Ban Dân tộc tỉnh là chủ đầu tư đoạn đường Ché Lầu - Mùa Xuân với chiều dài 800 m...

leftcenterrightdel
 Việc thi công các công trình giao thông trên huyện miền núi Quan Sơn gặp nhiều khó khăn do đặc trưng địa hình và thời tiết.

Việc xây dựng công trình giao thông tại các vùng miền núi thường gặp phải những khó khăn đặc biệt do đặc thù của địa hình, thời tiết, thiếu nguồn lực về vật liệu xây dựng và lao động có kỹ năng. Điều này có thể làm tăng chi phí xây dựng và kéo dài thời gian hoàn thành công trình. Để vượt qua những khó khăn này, các cấp chính quyền địa phương, các nhà đầu tư đã có sự hợp tác chặt chẽ.

Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quan Sơn Trương Văn Long cho biết, những dự án giao thông kết nối giữa bản với bản, xã với bản, xã với xã cũng như các xã với trung tâm huyện đã và đang tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, đóng góp vai trò quan trọng trong định hướng phát triển chung của huyện. Với các dự án kết nối giao thông lên các bản người Mông không chỉ góp phần giúp bà con các dân tộc đi lại thuận tiện, con em đến trường đỡ vất vả, mà điều quan trọng là mở ra định hướng phát triển kinh tế mới cho các địa phương, nhất là phát triển các lĩnh vực lâm sản, chế biến, dịch vụ, du lịch...

Đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Quan Sơn, cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình theo đúng kế hoạch đề ra, huyện đã thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng để phối hợp với các đơn vị chức năng và các xã, thị trấn giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng. Đơn vị cũng phối hợp với đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng, tiến độ thi công để xử lý các vấn đề phát sinh. Hằng tháng, UBND huyện tổ chức giao ban với cơ quan chuyên môn, các địa phương có các công trình nhằm đánh giá tiến độ từng dự án, kịp thời xử lý những vướng mắc, phát sinh. Chỉ đạo các phòng thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các công trình được triển khai theo đúng kế hoạch.

Thời gian tới, UBND huyện Quan Sơn, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tăng cường cán bộ giám sát, đôn đốc các nhà thầu bố trí phương tiện, máy móc, thiết bị, nhân công tổ chức tăng ca, đảm bảo tiến độ, chất lượng theo kế hoạch đề ra. Tiến hành lập hồ sơ, phiếu giá thanh toán khối lượng hoàn thành và giải ngân kịp thời đối với các công trình đủ điều kiện thanh toán vốn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công được giao.

PV