Năm 2023 giá trị sản xuất ngành xây dựng của huyện Phú Lương ước đạt 1089,2 tỉ đồng, bằng 102,74% so với cùng kỳ năm 2022; Giá trị sản xuất ngành xây dựng năm 2023 (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 688,6 tỉ đồng, bằng 103,24 % so với cùng kỳ năm 2022. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện đúng trình tự, thủ tục đầu tư XDCB hiện hành, đã thẩm định dự toán và báo cáo kinh tế kỹ thuật 125 công trình. Thẩm định hồ sơ hoàn công, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 75 công trình. Đã tổ chức cấp 28 giấy phép xây dựng cho nhân dân.

Công tác quy hoạch được quan tâm chú trọng, đã tham mưu phê duyệt 3 đồ án quy hoạch; lập Quy hoạch vùng huyện Phú Lương; điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thị trấn Giang Tiên đến năm 2030; tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các xã phối hợp với cơ quan chuyên môn thực hiện điều chỉnh 9 Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã; tiếp tục thực hiện 1 dự án Quy hoạch khu chăn nuôi tập trung và 10 đồ án quy hoạch khu dân cư, khu đô thị.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo huyện Phú Lương thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Với quyết tâm thực hiện có hiệu quả các Đề án về phát triển kinh tế, trong nửa nhiệm kỳ khóa XXIV, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã có những bước phát triển vượt bậc. Giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đã tăng bình quân 11,29% (vượt 0,69% so với chỉ tiêu Nghị quyết). Lĩnh vực thu hút đầu tư cũng được cấp ủy, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ. Huyện đã phối hợp với nhà đầu tư tích cực triển khai công tác bồi thường, GPMB, xây dựng hạ tầng CCN Yên Lạc; đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục pháp lý để thành lập CCN Yên Ninh; đồng thời đề xuất đưa vào quy hoạch của tỉnh một số CCN mới…

Giai đoạn 2020-2023, giá trị sản xuất ngành nông – lâm nghiệp, thủy sản bình quân hàng năm trên địa bàn đạt 4,05% (vượt 0,55% so với mục tiêu NQ). Dự ước giá trị thực hiện năm 2023 đạt 1.368 tỉ đồng. Giá trị sản xuất chè đạt trên 1.265 tỉ đồng, đóng góp 35% vào giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của địa phương. Đến hết năm 2023, 13/13 xã của huyện đều đạt chuẩn NTM, thêm 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phú Lương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành các tiêu chí huyện NTM và phấn đấu đạt chuẩn quý IV/2024.

Công tác chuyển đổi số được đẩy mạnh, khu di tích lịch sử quốc gia Đền Đuổm đã hoàn thành số hóa và cập nhật địa chỉ số trên nền tảng bản đồ số cho hơn 27.000 hộ trên địa bàn. Các sản phẩm nông nghiệp (OCOP, Vietgap) được quảng bá và đổi mới phương thức mua bán trên các nền tảng số. Bên cạnh đó, cải cách TTHC, đơn giản hóa, minh bạch trong thông tin, giúp giảm chi phí thời gian cho người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số DDCI được huyện quan tâm và chỉ đạo để nâng cao qua từng năm.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo sâu sát cơ sở, tháo gỡ vướng mắc cho người dân- doanh nghiệp là một trong những yếu tố tạo nên thành công của huyện Phú Lương.

Ngoài ra, Phú Lương cũng triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng để thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các dự án khu dân cư, khu đô thị; xây dựng hạ tầng CCN, hạ tầng du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với quảng bá các di tích lịch sử văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống, vùng nguyên liệu đặc trưng của địa phương.

Luôn đồng hành với nhà đầu tư, Phú Lương quan tâm tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn. Riêng trong năm 2023, huyện đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại; 11 cuộc họp để trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp; 15 hội nghị hỗ trợ pháp lý, xúc tiến thương mại, chuyển đổi số cho 36 doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngoài ra, chỉ đạo các phòng, ban thường xuyên rà soát tiến độ để xây dựng lộ trình, giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Huyện cũng chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến và số hóa hồ sơ. Từ đầu năm đến nay, số hồ sơ tiếp nhận qua hình thức trực tuyến trên toàn huyện chiếm 86,6%, trong đó, hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình chiếm 9,17%.

Thông qua những giải pháp thiết thực, cụ thể, từ năm 2021 đến nay, huyện Phú Lương đã thu hút được 48 dự án ngoài ngân sách, trong đó có 12 dự án đã và đang triển khai giải phóng mặt bằng, thi công; 36 dự án đang khảo sát, lựa chọn nhà đầu tư. Các dự án này góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách cho địa phương. Theo đó, tổng thu ngân sách trong 10 tháng năm 2023 của huyện đạt trên 71,1 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022...

Chủ tịch UBND huyện Phú Lương Nguyễn Hoàng Mác cho biết: Hiện nay, huyện đang tiếp tục thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát 36 dự án trên địa bàn. Để thu hút thêm các nhà đầu tư, thời gian tới, huyện sẽ sớm hoàn thiện, trình phê duyệt các quy hoạch đang lập đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch tỉnh; duy trì hoạt động đối thoại với các doanh nghiệp; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tiếp tục nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lực lao động đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới…

leftcenterrightdel
 Phú Lương đang nỗ lực vươn tầm để trở thành điểm đến hấp dẫn trong công cuộc đổi mới, hội nhập.

Đồng thời Phú Lương không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch vùng huyện đảm bảo tiến độ, chất lượng; tăng cường đảm bảo chính sách an sinh xã hội, y tế, giáo dục, quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; kết hợp chặt chẽ quốc phòng - an ninh với kinh tế trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng khu vực phòng thủ huyện ngày càng vững chắc, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Theo quy hoạch tỉnh Thái Nguyên, Phú Lương được xác định là huyện nông nghiệp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ (organic), qua đó tạo trụ đỡ bền vững trong phát triển kinh tế địa phương. Để cụ thể hoá định hướng này, Phú Lương đã triển khai các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất.

Với sự nỗ lực đồng bộ, sự đồng lòng, đoàn kết, đổi mới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Phú Lương đang nỗ lực vươn tầm để trở thành điểm đến hấp dẫn trong công cuộc đổi mới, hội nhập và đóng góp tích cực, quan trọng vào sự phát triển của tỉnh Thái Nguyên.

Trọng Tài