|
|
Trạm thu phí BOT xa lộ Hà Nội dự kiến thu phí trở lại từ tháng 11/2020. (Ảnh: Nam Phong) |
Theo đó, Sở GTVT TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND thành phố về phương án giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn. Việc thu phí trở lại nhằm hoàn vốn cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) làm chủ đầu tư.
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 dài 15,7km, 12 - 16 làn xe chưa thu phí hoàn vốn. Trong đó đoạn 1 từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (rộng 153m), đoạn 2 từ Bình Thái đến nút giao trạm 2 (rộng 113m) và đoạn 3 từ nút giao trạm 2 đến Tân Vạn (rộng 113m).
Năm 2009, dự án trên được UBND TP HCM phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 2.516 tỉ đồng và điều chỉnh lại năm 2016, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 4.900 tỉ đồng.
Đến thời điểm này, toàn bộ dự án hoàn thành khoảng 76%. Trong đó đoạn trục chính dài 11,5km, từ cầu Sài Gòn đến cuối nút giao Đại học Quốc gia đã hoàn thành; đoạn còn lại chưa xong do vướng mặt bằng.
Về mức thu đề xuất, ôtô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn 30.000 đồng/lượt; ôtô 12 - 30 chỗ và xe tải 2 - 4 tấn 45.000 đồng/lượt; ôtô từ 31 chỗ trở lên, xe tải 4 - 10 tấn 60.000 đồng; xe tải 10 - 18 tấn, xe container loại 20 feet 120.000 đồng/lượt; xe tải trên 18 tấn, xe container loại 40 feet 170.000 đồng.
Trước đó, sau cuộc họp về phương án thu phí hoàn vốn cho dự án tháng 7/2020, Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan kết luận việc chậm triển khai công tác thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 sẽ tăng chi phí lãi vay phát sinh dự án, ảnh hưởng ngân sách TP.
Do đó, lãnh đạo UBND TP giao Sở GTVT TP phối hợp Sở Tài chính và chủ đầu tư nghiên cứu, khảo sát thực tế về chính sách thu phí đối với các đối tượng, đặc biệt tại khu vực thu phí, vốn chủ sở hữu và vốn đầu tư dự án, phương án tổ chức thu phí tự động.