Theo đó, để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung sau:
Có phương án bảo đảm năng lực, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và hoạt động đi lại của học sinh sinh viên; yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải, các đầu mối giao thông lớn (bến xe, nhà ga, cảng hàng không, cảng biển, cảng, bến thuỷ nội địa) thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về TTATGT; đẩy mạnh ứng dụng việc bán vé điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, thời gian và loại hình dịch vụ; tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 hiện hành…
|
|
Nhu cầu đi lại của người dân sẽ tăng cao trong dịp 2/9. |
Chủ động có phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên tuyến, khu vực có nguy cơ cao dẫn tới TNGT, ùn tắc giao thông, các trục chính ra vào Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ, các đầu mối giao thông trọng điểm, các địa điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, các bến xe, bến tàu, nhà ga, các điểm đang thi công; ứng dụng khoa học công nghệ để sớm phát hiện các vụ ùn tắc giao thông trên các tuyến, các đầu mối giao thông trọng điểm và có giải pháp xử lý kịp thời.
Triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9”, các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên, tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện để bảo đảm an toàn giao thông; phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm TTATGT khu vực cổng trường học. Kiểm soát chặt chẽ dịch vụ vận chuyển đưa đón học sinh.
Tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT; chú ý các hành vi vi phạm nghiêm trọng là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới TNGT, ùn tắc giao thông, như: vi phạm tốc độ, vi phạm quy định nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người quy định, vi phạm tải trọng, không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định;...
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn đặc biệt trên đường cao tốc. Các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên cập nhật kịp thời tình hình TNGT, ùn tắc giao thông, các thông tin hỗ trợ hướng dẫn đi lại trong dịp nghỉ Lễ; kiên trì vận động nhân dân thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”;..
Công bố số điện thoại đường dây nóng về bảo đảm TTATGT của các cơ quan trung ương, của từng địa phương nhằm tiếp nhận các phản ánh của người dân về tình hình TTATGT trong dịp nghỉ lễ; đảm bảo phương án ứng trực theo chế độ 24/7 để tiếp nhận thông tin, giải quyết, khắc phục kịp thời các vụ việc phát sinh…