"Phí BOT hiện nay đã tính đến mức thu nhập của người dân"
Cập nhật lúc 00:44, Thứ tư, 01/06/2016 (GMT+7)
Mức phí BOT được áp dụng hiện nay là đã tính đến mức thu nhập của người dân ở mức trung bình thấp, không phải mức trung bình cao. (Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng , người dân, Phí BOT )
Mức phí BOT được áp dụng hiện nay là đã tính đến mức thu nhập của người dân ở mức trung bình thấp, không phải mức trung bình cao.
Giải thích về điều này, đại diện Bộ GTVT là Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Bộ GTVT luôn đưa ra các lựa chọn cho người dân, người dân có thể đi đường cao tốc, có thể không. Nếu đi đường cao tốc, người dân phải trả phí cao hơn. Ví dụ, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ song song với Quốc lộ 1, nếu người dân không đi tuyến cao tốc này thì vẫn có thể đi Quốc lộ 1 không mất phí.
Ngoài ra, đối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng song song với Quốc lộ 5, đáng lẽ ra Quốc lộ 5 phải miễn phí cho người dân nhưng vẫn đang thu phí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được làm mới hoàn toàn thu phí là đúng, nhưng đường 5 cũ xuống cấp trong khi ngân sách để đầu tư sửa chữa và làm mới con đường này không có, vì thế việc nâng cấp đường 5 cũng phải tiến hành bằng hình thức BOT và phải thu phí để hoàn vốn.
Tuy nhiên, với mức phí trên Quốc lộ 5 do Bộ Tài chính quyết định căn cứ vào mức thu nhập bình quân của người dân từng thời điểm. Từ mức phí 10.000 đồng/lượt những năm 2000 tương ứng với thu nhập bình quân 500 USD/năm. Nhưng hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của nước ta vào khoảng 2.000 USD/năm nên mức phí tăng lên khoảng từ 3 – 3,5 lần (khoảng 35.000 đồng/lượt) là đã tính đến mức thu nhập của người dân ở mức trung bình thấp, không phải mức trung bình cao, bởi nếu ở mức cao theo như Bộ Tài chính quy định thì mức phí trên Quốc lộ 5 phải là 52.000 đồng/lượt.
“Như vậy ở đây không có sự lựa chọn của người dân là đúng, nhưng sự lựa chọn của người dân ở mức phí rất hợp lý, tức là chỉ phải bỏ ra một mức phí rất thấp. Ví dụ ở Quốc lộ 5 mức phí chỉ vào khoảng từ 0,5 – 0,7 so với mức phí Bộ Tài chính đưa ra để cho thấy mức phí này đã được tính toán phù hợp”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giải thích.
Một vấn đề khác được các vị khách mời đưa ra là liệu có chuyện thu phí đường cũ, cầu cũ để bù cho việc làm BOT ở đường mới, cầu mới hay không? Và tại sao Nhà nước không có sự phân luồng đầu tư để bảo trì, nâng cấp, sữa chữa những đường quốc lộ để cho người dân lựa chọn hoặc đi đường quốc lộ cũ hoặc sử dụng dịch vụ cao cấp hơn, trong đó có đường BOT?
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, việc thu phí các dự án cũ bù cho các dự án mới là một giải pháp có thể chấp nhận được khi đảm bảo quyền và lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bởi lẽ nếu chỉ thu phí ở những tuyến đường BOT thì phương tiện chắc chắn sẽ đi vào đường không thu phí, và như vậy nhà đầu tư sẽ không đủ khả năng để đầu tư đường mới.
Do đó, nhà nước đưa ra giải pháp là cho phép đầu tư nâng cấp cả tuyến cũ, đồng thời xây dựng tuyến mới; khoản tiền thu được sẽ được chia đều cho cả 2 tuyến đường, tuy thu hai bên nhưng mức phí chỉ tương đương với thu một bên để chia sẻ thời gian thu phí, đồng thời vẫn đảm bảo để người dân không phải chịu gánh nặng của mức phí trong quá trình thực hiện dự án.
Đề cập đến vấn đề quản lý thu phí từ các dự án BOT, Nhà báo Trần Đăng Tuấn dẫn chứng liên danh nhà đầu tư dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vừa qua có tranh cãi về mức thu phí hàng ngày trên tuyến với những con số khác nhau. Do đó, việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý là hết sức cần thiết để xác định rõ và đưa ra được con số chính xác về lưu lượng phương tiện và số thu, từ đó tính toán đúng thời gian thu phí của dự án.
Chia sẻ về điều này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ rõ: Việc thu phí dự án BOT đang có tới 4 cơ quan kiểm soát gồm: Nhà đầu tư dự án; Bộ GTVT kiểm soát chống thất thoát; các cơ quan thuế kiểm soát doanh thu và các ngân hàng thương mại cần biết doanh thu để thu hồi vốn. Trong 4 cơ quan kiểm soát này, các con số thống kê phải hoàn toàn giống nhau.
Hơn nữa, hiện nay, tại các trạm thu phí bán tự động được tiến hành bằng công nghệ điện tử. Tất cả barie muốn được nâng lên cho xe qua phải có một thẻ điện tử đưa vào máy quét, camera đồng thời thu lại hình ảnh đó và máy tính thu vào khoản tiền xe đó phải trả. Tất cả đều được đưa vào phần mềm quản lý hết sức chặt chẽ.
Đối với bất đồng tại trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc nhà đầu tư mới có ý định kiểm soát vấn đề thu chi trước khi mua lại cổ phần là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, cách kiểm tra phải tuân theo đúng quy định của pháp luật. Việc dùng 1 hệ thống camera để giám sát nhưng không có cơ quan nào xác thực là hoàn toàn không hợp lý.
“Bộ GTVT đã giải thích với nhà đầu tư về việc kiểm soát tại trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ. Việc kiểm soát hoàn toàn đáp ứng được độ chính xác và minh bạch, không cần lập thêm 1 hệ thống camera nào khác. Bởi lập thiết bị giám sát nhưng có không cơ quan kiểm định sẽ không chính xác và không đúng thẩm quyền. Đến nay, những khúc mắc của nhà đầu tư đã được giải quyết xong”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết./.
Theo VOV
.