Tình hình dịch bệnh COVID-19 từ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu đến nay vẫn diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi ra đường, nhiều người ái ngại sử dụng phương tiện giao thông bên ngoài khiến nhiều lái xe taxi, xe công nghệ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Thực trạng nhiều tài xế mua xe taxi trả góp, hàng tháng phải trả cả gốc lẫn lãi lên tới hàng chục triệu đồng đang diễn ra ở hầu hết các hãng taxi tại Hà Nội.
|
|
Ế khách, nhiều tài xế taxi buồn rầu, sốt ruột với các khoản phải chi trả hàng tháng |
Anh Nguyễn Văn Minh, tài xế hãng taxi G7 cho biết, trước đây taxi hoạt động theo mô hình HTX, chủ hãng còn cho góp xe, mượn “tem, mào”, nhưng hiện nay hầu hết các hãng taxi đều hoạt động theo mô hình công ty nên họ thường yêu cầu tài xế phải mua xe của hãng mới được thuê thương hiệu để chạy. Theo anh Minh, với việc phải mua xe taxi trả góp đúng thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay đang làm cho nhiều tài xế taxi phải lao đao.
“Như các năm trước, "tháng Giêng là tháng ăn chơi" nhiều người đi du xuân, lễ hội đền, chùa. Đây là khoảng thời gian cho cánh xế taxi, xe du lịch có điều kiện tăng thu nhập, nhưng năm nay do đại dịch lại bùng phát khiến doanh thu giảm khoảng 80%. Anh em tài xế chúng tôi vừa có đơn gửi công ty, với mong muốn xin giảm phí quản lý kinh doanh xuống còn 1 triệu đồng/tháng và hoãn trả nợ gốc với những nhà đầu tư mất khả năng thanh toán đến khi khống chế được dịch bệnh. Dù vậy, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi”, anh Minh tâm sự.
Cùng chung hoàn cảnh với anh Minh, anh Lương Văn Hải (quê ở Thanh Hóa) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với một hãng taxi lớn tại Hà Nội cũng đang rơi vào tình trạng “ế khách”. Anh Hải tâm sự: Sau Tết nguyên đán Tân Sửu, nhiều tỉnh, thành có lệnh đóng cửa các đền, chùa, di tích lịch sử, dừng tổ chức lễ hội, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế đi lại nên anh em tài xế taxi đói dài. Từ Tết đến nay, có ngày chạy được vài ba “cuốc” khách đường ngắn, có ngày chẳng được cuốc nào. Cứ tình hình này kéo dài thì tiền sinh hoạt cho gia đình cũng chẳng đủ lấy đâu tiền để hàng tháng trả góp mua xe.
Doanh thu giảm mạnh nhưng hàng tháng vẫn phải lo tiền trả góp cả gốc lẫn lãi, nhiều tài xế taxi đã phải đi đến quyết định bán xe để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu. Nằm trong tình trạng đang giao bán xe, anh Đỗ Văn Phú (trú tại Trung Tú, Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết: “Tôi mua xe taxi theo hình thức trả góp. Năm ngoái, do dịch bệnh COVID-19 mất nửa năm, làm ăn đã khó khăn rồi. Hi vọng năm nay, dịch bệnh được khống chế công việc sẽ thuận lợi hơn. Ai ngờ tháng giáp Tết, dịch bệnh lại bùng phát nên từ trước Tết nguyên đán đến nay chẳng có khách khứa gì cả, mà lại sắp đến kỳ phải trả tiền xe rồi. Mấy ngày nay, tôi đang giao bán xe để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu nhưng chưa bán được", anh Phú than thở.
Cũng theo anh Phú, mặc dù từ trước Tết đến nay, lượng khách giảm 60-70% nhưng cánh tài xế các anh không được hãng chia sẻ. Ngoài tiền trả gốc, lãi vay mua xe, hàng tháng anh Phú còn phải nộp tiền đàm, phí dịch vụ quản lý, bảo hiểm, quỹ công đoàn,… Kéo dài tình hình vắng khách đi taxi như hiện nay đang là gánh nặng quá sức đối với cánh tài xế taxi các anh.
Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, tài xế đi kèm với phương tiện là nhân tố làm lên tên tuổi, thương hiệu và sự thịnh vượng của hãng taxi, hãng xe công nghệ. Do vậy khi dịch bệnh diễn ra, mặc dù hãng cũng gặp nhiều khó khăn do doanh thu giảm sút nhưng không thể không có trách nhiệm với các tài xế. Theo ông, xe không chạy thì đương nhiên sẽ không đóng các khoản phí hàng tháng, trong đó có phí thương hiệu, logo, bộ đàm. Tiếp đó, để doanh nghiệp và tài xế cùng vượt khó, chủ hãng taxi cần kiến nghị với ngân hàng chia sẻ để giảm, giãn các khoản lãi suất.