Vào mỗi dịp gần Tết, TP Chí Linh, Hải Dương nơi tôi sống cũng như bao miền quê khác có tập tục “ăn đụng lợn”, đó là việc mọi người trong xóm hoặc họ hàng sẽ cùng mổ lợn tại nhà một người, sau đó chia thành các phần theo thỏa thuận các bên.

Như mọi năm, đó sẽ là khoảng thời gian thoải mái nhất của mọi người vì ai cũng biết rõ nguồn gốc thịt, ai cũng được ăn tại chỗ và cùng nhau nói đủ chuyện “trên trời dưới biển”. Tuy nhiên vào năm nay, khi COVID-19 ập tới quê tôi, cái không khí thoải mái trước kia giờ thay bằng sự cẩn thận, bằng lớp khẩu trang thường trực và khoảng cách thực tế từ 2 mét trở lên giữa người với người.

Tối hôm 22 (âm lịch) mẹ gọi điện kể một người dì (họ hàng) đang trong diện F2 nhiễm COVID (cách ly tại nhà) nhưng vẫn lên nhà tôi "ăn đụng". Tình thế khi đó thật khó xử với bố mẹ, giữ dì ở lại thì nguy hiểm cho mọi người mà “nói khéo” dì về thì lại mất lòng chị em. Người Việt mình thường cả nể, thường sợ mất lòng nhau nên ngại nói thẳng nói thật, kết quả là dì vẫn ở lại “góp vui” rất tự nhiên, thỉnh thoảng còn kề sát hỏi chuyện mọi người. Đáp lại sự mến khách của dì, mọi người ai nấy chỉ ậm ừ câu chuyện và chủ yếu là… né. Ôi thôi! Sau hôm "ăn đụng", ai cũng mong mình không phải là “F cộng số đằng sau”, ai cũng lo nhỡ có bị sao thì mất Tết.

Bên cạnh những ưu thế trong cách ứng xử mềm dẻo của người Việt thì đứng trước đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chúng ta cần có thái độ rõ ràng, cứng rắn hơn trong các mối quan hệ, cả với những người thân thiết. Cứng rắn ở đây không phải là phũ phàng, càng không phải là ghẻ lạnh với những đồng bào đang bị nhiễm virus mà là nhắc nhở mọi người có ý thức trong phòng chống dịch bệnh cũng như tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ví như: nếu là “F cộng số đằng sau” được cách ly tại nhà thì hạn chế tiếp xúc với mọi người, ăn-ngủ tại khu vực riêng, tránh dùng chung đồ cá nhân, thường xuyên đeo khẩu trang hoặc găng tay khi tiếp xúc với đồ vật, rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn, làm sạch và khử trùng vệ sinh xung quanh, theo dõi sức khỏe của chính mình; nếu nghi ngờ mình sẽ là “F cộng số đằng sau” thì khai báo y tế trung thực, khai báo các địa điểm từng đến, những người đã gặp, phối hợp với cơ quan chức năng truy vết nguồn lây bệnh; và nếu là “F cộng số đằng sau” thì sử dụng mạng xã hội để lan tỏa những điều tích cực thay vì chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch bệnh gây hoang mang dư luận…. Tất cả chỉ là “nếu….thì” và không ai muốn mình sẽ rơi vào tình trạng nếu là “F cộng số đằng sau”.

leftcenterrightdel

  “Vắc xin ứng xử” là liều thuốc hữu hữu nhất để đẩy lùi COVID-19. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Hiện tại, vắc xin COVID-19 đang được Bộ Y tế thử nghiệm, chưa được đưa vào sử dụng đại trà đồng thời Nhà nước cũng đang khẩn trương liên hệ đặt hàng với một số nước trên thế giới. Việc chờ vắc xin có lẽ chưa biết đến bao giờ, trong khi đó số ca bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong đợt bùng phát mới này vậy chỉ còn cách chúng ta sử dụng “vắc xin ứng xử” luôn có trong mỗi người để đối phó.

Như trong đợt dịch lần một và lần hai chúng ta đã khống chế rất tốt loại virus nguy hiểm này. Và đợt bùng phát lần ba đang diễn ra, liều vắc xin hữu hiệu nhất để đẩy lùi là thái độ kiên quyết trong cách ứng xử, ý thức tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh của mỗi người dân. Có như vậy, đời sống nhân dân mới mau trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Vũ Thủy