Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẳng định việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ được phân kỳ đầu tư làm 3 giai đoạn và Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn.


Báo cáo của Bộ GTVT nêu rõ dự báo lượng hành khách thông qua sân bay Tân Sơn Nhất năm nay đạt khoảng 19 triệu lượt. Từ năm 2018 đến năm 2020 sẽ tăng lên 20-25 triệu hành khách/năm và sẽ quá tải vào những năm sau đó. Tuy nhiên, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu khai thác là rất khó thực hiện do sân bay này chỉ có 2 đường hạ cất cánh song song dạng đóng nên rất khó nâng công suất.

Nếu đầu tư thêm một đường hạ cất cánh tương đương về phía Bắc của sân bay cũng không khả thi do sân bay nằm trong khu vực dân cư dày đặc và các đường phố chính đã giới hạn khu vực này. Đồng thời, quỹ đất dành cho phát triển mở rộng rất hạn chế nên cũng khó phát triển hệ thống giao thông khi nâng công suất khai thác. Việc mở rộng để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất sẽ ảnh hưởng đến môi trường của khu vực trung tâm như tiếng ồn, khí thải vượt xa tiêu chuẩn cho phép.

Sau khi tổ chức hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan và chuyên gia về quy mô và phân kỳ đầu tư của sân bay Long Thành vào đầu tháng 7-2013, Bộ GTVT đã tiếp thu và chỉnh sửa một số phần. Cụ thể, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tổng mức đầu tư cho toàn bộ giai đoạn 1 khoảng 7,8 tỉ đô la Mỹ.

Trong điều kiện khó khăn, trước mắt chỉ đầu tư khoảng 5,6 tỉ đô la để có thể xây dựng ngay một đường cất hạ cánh và nhà ga nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách vào năm 2022.

“Nguồn vốn đầu tư thực hiện sẽ được gắn với các dự án cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư, khuyến kích tư nhân đầu tư vào các hạng mục dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư", trích báo cáo của Bộ GTVT.

Về vị trí xây dựng, Bộ GTVT cho biết việc khảo sát, quy hoạch vị trí sân bay Long Thành đã được thực hiện từ năm 2004. Vị trí được chọn đảm bảo các tiêu chí trong việc vận chuyển hành khách, hàng hóa đi đến khu vực TPHCM và cả khu vực phía Nam.

Khu vực xây dựng sân bay Long Thành có địa hình, địa chất, thủy văn không quá phức tạp, khối lượng đào đắp ít, mặt bằng tương đối bằng phẳng nên rất thuận lợi cho việc xây dựng.

Hai phương án khác là mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa cũng được nghiên cứu toàn diện để so sánh như khoảng cách tính từ trung tâm thành phố, giao thông tiếp cận, diện tích đất yêu cầu và chi phí giải phóng mặt bằng, tác động môi trường… Kết quả so sánh cho thấy phương án tối ưu là xây dựng sân bay Long Thành.

Trước đó, hai ông Lê Trọng Sành (nguyên Trưởng phòng quản lý sân bay Tân Sơn Nhất) và ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công đoàn bay 919) đã có văn bản kiến nghị Chính phủ không nên xây sân bay Long Thành vì chi phí đầu tư quá lớn, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn có thể thực hiện được.
 

Theo Lê Anh
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

.