Đón chúng tôi ở đầu lối rẽ từ quốc lộ 279, anh Nguyễn Văn Hà khẽ nói: “Đây là nhà của ông bà Vui Tự. Trạm thu phí chính là nhà này; và người trả phí là hơn chục gia đình trong xóm”! 

Trên đoạn đường gần 1 cây số từ lối rẽ đến khu dân cư khe Cảnh Quang, anh Hà kể thêm với chúng tôi nỗi ấm ức của bà con trong xóm về “trạm thu phí Vui Tự”. Anh Hà cho biết, trước năm 2004 đường mòn này dẫn vào khu đất nương, trang trại của dân bản Tân Quang. Sau đó một số gia đình tách hộ, người nơi khác về mua đất làm nhà, làm trang trại đã hình thành khu dân cư với hơn chục gia đình. Hầu hết các gia đình đều là vợ chồng trẻ, cuộc sống còn nhiều khó khăn, song yên tâm ổn cư trong xóm nghèo nên mỗi năm vài lần các gia đình lại góp tiền, nguyên vật liệu sửa đường nhỏ vào xóm.

leftcenterrightdel
 Người dân bức xúc trao đổi với phóng viên.

Nhưng buồn một nỗi mỗi lần xóm nghèo sửa đường lại gánh thêm khoản phí đường không hề nhỏ vì mỗi lượt xe chở vật liệu đi qua phải đóng cho ông bà Vui Tự 100.000 đồng; máy xúc có mức phí từ 4-5 triệu đồng/lượt. Gia đình nào có việc phải thuê xe chở thóc, ngô, khoai sắn qua ngõ ấy cũng đều phải đóng phí 100.000 đồng/lượt thì xe mới lọt, bằng không thì “ông bà Vui Tự nhất quyết đứng đầu xe”. 

Xác nhận sự việc “trạm BOT của ông bà Vui Tự”, ông Lò Văn Chiến, cụm trưởng cụm dân cư còn cho biết: Trạm thu phí được ông bà Vui Tự lập lên từ năm 2019 với mức giá do ông bà Vui Tự đặt ra là xe ô tô to hay nhỏ đều 100.000 đồng/lượt; máy xúc, máy ủi thì dao động 4 hoặc 5 triệu đồng/một lượt. Không phân biệt người trong xóm hay người ngoài xóm, cứ hễ ngồi trên xe hoặc có xe đi qua đều phải “tiền trao” người mới tránh. Còn không tiền thì ông bà cứ đứng giữa đường… của ông bà. “Vì khoản phí đường này mà chi phí làm nhà của các gia đình trong xóm đều đội lên vài chục triệu đồng. Nhà anh Hùng, anh Sự phải đóng thêm 50 triệu đồng tiền phí đường cho xe chở vật liệu làm nhà đấy”.

Hỏi thêm mấy gia đình trong khu dân cư Cảnh Quang chúng tôi đều nhận lời xác thực buồn bã. Ông Lò Văn Dương bức xúc cho biết: Chẳng chừa ai, chẳng chừa xe chở gì, cứ là ô tô thì ông bà thu phí. Đêm hay ngày xe vào, xe ra ông bà đều trực canh thu phí. Làm mấy tháng trời được vài bao thóc, bao ngô cũng phải đóng phí 100.000 đồng. Bà con trong xóm ấm ức lắm mà không biết kêu ai bởi nhiều lần kiến nghị tổ trưởng tổ dân phố chẳng thấy hồi đáp.

leftcenterrightdel
 Điểm thu phí là cổng nhà ông bà Vui Tự (có xe máy dựng ở cổng).

Đem “nỗi ấm ức” của người dân khu dân cư khe Cảnh Quang đến hỏi ông Phạm Tất Thiện, Tổ trưởng tổ dân phố 2, xã Thanh Minh nhưng ông Thiện vắng nhà. Trao đổi qua điện thoại, ông Phạm Tất Thiện, xác nhận: Đúng là có trạm thu phí của gia đình ông bà Vui Tự vì ông bà bỏ tiền kè suối, làm đường. Về tính pháp lý của trạm thu phí này, ông Thiện cũng khẳng định trạm thu phí này chưa được cấp nào, ngành nào cấp phép.

Sáng ngày 25/10 làm việc với phóng viên về trạm thu phí của ông bà Vui Tự, ông Lường Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Minh đã vô cùng ngạc nhiên về sự tồn tại của trạm thu phí ấy. Khẳng định, việc thu phí như thế là vi phạm pháp luật, ông Lường Văn Hùng còn cho biết rằng sẽ đi kiểm tra, làm việc với bà con nhân dân và nếu đúng như phản ánh của nhân dân thì yêu cầu dừng ngay việc thu phí; đồng thời căn cứ quy định pháp luật để giải quyết chứ không thể để hành động trái luật tồn tại như thế.

Lê Lan