Muốn triệt để phải di dời trụ sở, bệnh viện
Cập nhật lúc 10:32, Thứ tư, 25/09/2013 (GMT+7)
(BVPL) - Theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) tại hai thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến nay đã cơ bản được giải quyết, ước chừng đã giảm được 50%. Tuy nhiên, theo nhận định, những kết quả này chỉ mang tính tạm thời. Để giải quyết cơ bản và bền vững thì cả hai thành phố này phải quyết liệt thực hiện các giải pháp mang tính lâu dài như: di dời các trường học, bệnh viện và trụ sở ra khỏi nội đô.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: “Tình trạng UTGT tại thành phố cũng giảm đáng kể, năm 2011 giảm 70%; Năm 2012 giảm 100%; Trong 8 tháng đầu năm 2013 cũng chưa có vụ UTGT nào. Nguyên nhân của những thành công trên là do có sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và chính quyền địa phương trong nỗ lực đầu tư cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên xử lý các điểm nóng về giao thông như: xây dựng các cầu vượt, đường vành đai, lắp đặt các dải phân cách. Cùng với đó là việc lắp đặt camera để thông báo luồng tuyến, các điểm ùn tắc để người dân biết điều chỉnh hướng đi; Điều phối giao thông và tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát 24/24 tại các “điểm đen”…
Kết quả chưa bền vững
Tại cuộc họp tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đã có những cải thiện đáng kể nhưng tình hình UTGT tại hai thành phố là chưa bền vững. Cụ thể là các biện pháp hiện thời chỉ mang tính đối phó, ngắn hạn chứ chưa phải là những giải pháp căn cơ. Ví dụ như việc xây dựng các cây cầu tạm sẽ chỉ có tác dụng trong một thời gian nhất định trong khi một loạt những giải pháp căn cơ thì chưa thực hiện được như: di dời các trường học, bệnh viện và trụ sở các bộ, ngành ra khỏi khi vực lõi đô thị hay như việc qui hoạch và chấp thuận qui hoạch xây dựng các khu đô thị, dân cư vẫn còn nhiều điểm bất hợp lý.Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: “Mặc dù đã có chủ trương di dời các trường học, bệnh viện, trụ sở bộ, ngành ra khỏi trung tâm nhưng đến nay việc này vẫn giậm chân tại chỗ. Như bệnh viện Việt – Đức mặc dù đã có qui hoạch di dời nhưng 5 năm qua vẫn chưa có động thái gì.Không những thế bệnh viện này còn xây thêm những tòa nhà mới, cao tầng hơn.Hay như việc xây dựng khu đô thị Royal City tại khu vực Ngã Tư Sở, mặc dù đến nay dân chưa đến ở hết nhưng đã khiến tình trạng UTGT liên tục xảy ra vào những giờ cao điểm.Đây là trách nhiệm trong vấn đề qui hoạch, phê duyệt qui hoạch của UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng.Điều này cần có sự xem xét trách nhiệm của các cơ quan này…”.
Về tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng thừa nhận: “Về biện pháp di dời các trụ sở hành chính, các trường ĐH- CĐ, Thành phố đã qui hoạch khu vực hành chính ra khu vực Tây Hồ tây. Tuy nhiên, việc di dời đến nay vẫn chưa thực hiện được...”. Theo ông Hồ Trọng Ngũ - Ủy ban QP&AN của Quốc hội: “Việc di dời các trường ĐH-CĐ chậm là do hai thành phố chưa quyết liệt. Sự vào cuộc của các bộ, ngành với chính quyền chưa thực sự hiệu quả”.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, quyết định đến việc giảm tải áp lực giao thông cho khu vực nội đô là công tác di dời trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, nhà máy…Tuy nhiên, tại Hà Nội thời gian qua, việc triển khai còn rất chậm do có sự sáp nhập mở rộng thành phố. Thành phố nên lập quy hoạch lại các khu hành chính tập trung ở 2 khu Mễ Trì và Tây Hồ Tây với 18 Bộ ngành”.
Chỉ đạo về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu: “Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong việc xây dựng và xác định tiến độ di dời các trường học, bệnh viện, các cơ quan hành chính Nhà nước. Đề xuất với Chính phủ cơ chế về tài chính để đảm bảo thực hiện bằng được chủ trương di dời. Quỹ đất sau khi di dời phải dành cho công trình công cộng và giao thông tĩnh.Việc này phải thực hiện sớm và quyết liệt để đạt được hiệu quả bền vững”.
PV