Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa có kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện một số quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, áp dụng từ ngày 15/3/2015.
 


Cụ thể, đối với hành vi chủ xe, lái xe cố tình bỏ phương tiện không hợp tác với lực lượng chức năng trong việc kiểm soát tải trọng phương tiện, lực lượng chức năng sẽ khóa bánh phương tiện tại chỗ hoặc cẩu, kéo đến nơi tập kết. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện chịu trách nhiệm hoàn toàn về chi phí phát sinh và trông giữ phương tiện cũng như hàng hóa trên xe.

Với hành vi chở hàng vượt tải trên 150%, đối với người điều khiển phương tiện sẽ phạt tiền 25 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 12 tháng, phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.

Đối với chủ phương tiện có hành vi giao hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm nếu chủ phương tiện là cá nhân phạt tiền 40 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt. Chủ phương tiện là tổ chức, phạt tiền 80 triệu đồng hoặc tịch thu phương tiện nếu không nộp phạt.

Đặc biệt, với đề xuất tịch thu xe máy đi vào đường cao tốc đang gây tranh cãi, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chính thức kiến nghị Chính phủ cho phép tịch thu xe máy, xe thô sơ, xe máy điện nếu lưu thông vào đường cao tốc.

Với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn của lái xe cơ giới đường bộ, người điều khiển xe ôtô bị phạt tiền phạt tiền từ 8-15 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 6 tháng đối với hành vi điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đến 50 mg/100ml máu hoặc 0,25mg/1lit khí thở; phạt tiền từ 15-20 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 12 tháng nếu nồng độ cồn trong máu từ 50-80mg/ml hoặc 0,25mg-0,4mg/1lit khí thở đồng thời phải thi lại nội dung về Luật giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.

Người điều khiển ôtô mà trong máu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.

Với người điều khiển xe máy, phạt tiền từ 4-5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 12 tháng, nếu trong máu có nồng độ cồn từ 50-80mg/ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/1lit khí thở đồng thời phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.

Đối với hành vi điều khiển xe máy trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 24 tháng và tịch thu phương tiện, phải thi lại nội dung về Luật Giao thông đường bộ trước khi cấp lại giấy phép lái xe.

Theo giải thích của lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, lý do kiến nghị trên là tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là số người tử vong do tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi tăng so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xảy ra hiện tượng chống đối lực lượng thực thi công vụ trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn; xuất hiện tình trạng người điều khiển môtô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc uy hiếp nghiêm trọng an toàn giao thông.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, hai tháng đầu năm 2014, toàn quốc xảy ra 4.115 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.567 người, làm bị thương 3.771 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 713 vụ (-14,77%), giảm 251 người chết (-13,81%), giảm 970 người bị thương (-20,46%).
 

Theo Vietnam+

.