Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả (thuộc Tập đoàn Đèo Cả) có thông tin chính thức về việc tiếp tục vận hành hầm Hải Vân 2 thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả.
Theo đó, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu lưu lượng phương tiện lưu thông qua hầm Hải Vân tăng đột biến. Bình quân mỗi ngày có khoảng 11.000 đến gần 14.000 lượt xe qua hầm. Do vận hành cả hai ống hầm nên đã giảm được áp lực giao thông trên toàn tuyến.
Đồng thời, việc đưa hầm Hải Vân 2 vào vận hành đã giúp cho dịch vụ vận chuyển người và xe máy lưu thông qua hầm tiện ích và hiệu quả hơn. Số lượng người dân đi xe máy sử dụng dịch vụ trung chuyển qua hầm tăng lên, giảm thiểu rủi ro tai nạn giao thông khi phải điều khiển xe máy đi qua đường đèo như trước đây.
Nhận thấy lợi ích thực tế từ quá trình vận hành hầm Hải Vân 2 mang lại cho người dân, nhà đầu tư sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn trước mắt, đảm bảo vận hành liên tục hai ống hầm trong thời gian tới.
|
|
Hầm Hải Vân 2 - hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á với chiều dài hầm 6,2 km, chiều dài toàn tuyến là 12,4km (bao gồm đường dẫn) chính thức được khánh thành ngày 11/1 |
Trước đó, ngày 11/1, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND TP Đà Nẵng và Tập đoàn Đèo Cả tổ chức khánh thành hầm Hải Vân 2, hầm đường bộ có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á do người Việt làm chủ công nghệ thi công.
Mặc dù hầm Hải Vân 2 được khánh thành ngày 11/1/2021 nhưng do khó khăn về tài chính chưa được giải quyết nên khả năng dự án này chỉ vận hành 20 ngày trước và sau Tết để chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Cụ thể, đại diện công ty này cho biết, trong khi các vướng mắc về tài chính của dự án đã kéo dài và vẫn chưa được giải quyết; việc đưa dự án vào khai thác, vận hành sẽ phát sinh rất nhiều chi phí như điện, nước, nhân công, bảo trì, bảo dưỡng hàng tháng… nhưng chủ đầu tư sẽ cố gắng tổ chức vận hành cho các phương tiện lưu thông qua 2 ống hầm trong 20 ngày, từ ngày 1/2/2021 đến hết ngày 21/2/2021 (ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày 10 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Sau thời gian trên, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành để chờ cơ quan nhà nước có chức năng giải quyết các tồn tại và vướng mắc mà dự án đang gặp phải.
Cùng thời gian này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ ngành liên quan xem xét việc bố trí 1.180 tỉ đồng vốn Nhà nước cho dự án.
Tại buổi họp ngày 29/1 giữa các bộ, ngành liên quan, các ý kiến đều đánh giá việc bố trí vốn ngân sách nhà nước cho dự án là cần thiết để đảm bảo phương án tài chính và thực hiện đầy đủ cam kết của Nhà nước đối dự án, đồng thời các bên thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí khoản vốn nói trên cho dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Như vậy, thời gian gần đây, việc giải quyết các vướng mắc về tài chính của Dự án đã và đang được cơ quan Nhà nước đưa ra phương án cụ thể sớm đi đến dứt điểm vướng mắc trong thời gian tới.
Tuy vậy, nhà đầu tư cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cùng các bên liên quan xác định rõ thời gian, các bước xử lý cụ thể để làm cơ sở cho việc sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại như đã nêu trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.