Theo ông Lâm, sau khi rà soát, đánh giá lại hồ sơ thiết kế cầu bộ hành thì Sở phát hiện nhiều sai sót tại dự án cầu bộ hành bị xe container kéo sập.

Trước đây dự án nằm trong dự án mở rộng nút giao Đại học Quốc gia do khu 2 làm chủ đầu tư. Đến cuối năm 2015, dự án này được chuyển giao, bổ sung vào dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội nhằm giảm ngân sách Thành phố. Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (CII) làm chủ đầu tư và tiếp nhận dự án này, trong đó có hạng mục xây cầu bộ hành.

leftcenterrightdel
 Hiện trường vụ sập cầu bộ hành.

Thời điểm trước khi CII tiếp nhận thì cầu bộ hành đã được phê duyệt. Khi chủ đầu tư tiếp nhận, chuẩn bị triển khai thì vướng trụ metro số 1 nên phải dịch chuyển hơn 4m. Hồ sơ chuyển dịch này đã được tổ chức thẩm duyệt phê duyệt.

Sau khi chuẩn bị triển khai, cắm cọc định vi thi công công trường thì bị phản đối của một số hộ dân. Sau đó, Công ty CII tiếp tục đề nghị dịch chuyển thêm hơn 9m nữa để tránh phản ứng của người dân.

“Khi dịch chuyển thì có hỏi Sở GTVT và chúng tôi thống nhất đồng ý phương án dịch chuyển là phù hợp. Sở cũng có hướng dẫn cho chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo tuy nhiên các thủ tục để thẩm định, phê duyệt lại cầu vượt bộ hành tại vị trí mới thì nhà đầu tư chưa hoàn tất trước khi thi công”- ông Lâm thông tin.

Ông Lâm cho biết khi chủ đầu tư thi công cũng không thông báo cho Sở GTVT về việc đó. Nếu chủ đầu tư, tư vấn giám sát làm tốt vai trò thì không xảy ra sự cố đáng tiếc trên.

“Trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư và tư vấn giám sát. Nguyên tắc khi họ thực hiện dự án thì phải có hồ sơ thiết kế, bản vẽ thiết kế thi công được duyệt. Chưa kể, theo nguyên tắc thì trước khi thi công thì họ phải khảo sát, đối chiếu với bản thiết kế và thực tế hiện trường. Thiếu khâu này nên mới dẫn đến xảy ra sự cố trên”- ông Lâm nhấn mạnh.

Ngoài ra, đường song hành ở phía dưới đang lên dốc, có độ dốc 1,7%, khi chuyển dịch lên trên dốc để làm cầu nhưng phía các đơn vị liên quan thiếu tính toán, kiểm tra cao độ giữa mặt đường và đáy dầm nên xảy ra việc tĩnh không không đạt 4,75m. Trong đó chỉ số tĩnh không không đạt thực tế thiếu từ 0,16-0,33m.

Nói về chiều cao container va chạm với dầm cầu, ông Lâm cho biết qua thông tin đăng kiểm thì sàn cao 1,53m. Còn thùng container có ký hiệu là 45G1. "Mà theo thông số quốc tế thì đây là thùng container 45 feet chiều cao 2,89m. Nếu cộng lại thì cao 4,42m", ông Lâm nói.

Theo quy định, container cao trên 4,35m khi lưu thông phải xin giấy phép ở Sở GTVT TP HCM. "Nguyên nhân chính thức thì chờ Cơ quan điều tra Công an quận Thủ Đức công bố. Ở đây, Sở GTVT TP HCM không kết luận thay. Về nguyên tắc khi xảy ra tai nạn thì Cơ quan điều tra kết luận, Sở không có chức năng, thẩm quyền này. Sau khi có kiết luận sẽ xử lý nghiêm các đơn vị liên quan", ông Lâm nhấn mạnh.

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin, khoảng 4h sáng 13/11, chiếc xe container lưu thông hướng từ Biên Hòa vào TP HCM đã va vào dầm cầu vượt bộ hành băng qua Xa lộ Hà Nội khiến một thanh dầm rơi xuống đè bẹp thùng container./.

Nguyễn Lánh