Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ vừa ký tờ trình số 360/TTr-CP báo cáo Quốc hội về đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tờ trình nêu rõ, theo Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư. Để có cơ sở báo cáo Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo nội dung tờ trình, dự án được đầu tư tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với diện tích giải phóng mặt bằng 5.000ha, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế-ICAO); giữ vai trò là cảng hàng không quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng bậc nhất quốc gia, dự kiến trong tương lai trở thành một trong những trung tâm trung chuyển tại khu vực Đông Nam Á.
Lý giải về sự cần thiết đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, theo báo cáo của tờ trình, trong thời gian qua, lượng khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14%/năm. Giai đoạn đến năm 2030, tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế đánh giá Việt Nam sẽ là nước thứ 3 trong 10 nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á đồng thời dự báo lượng khách thông qua hệ thống cảng hàng không đạt tương ứng 55 và 90 thậm chí tới 175 triệu hành khách/năm.
Hiện nay, các quốc gia trong khu vực Đồng Nam Á lần lượt quy hoạch và đưa vào khai thác các cảng hàng không quốc tế lớn, có tính cạnh tranh như Cảng hàng không quốc tế Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) quy hoạch 100 triệu hành khách/năm, Changi (Singapore) quy hoạch 135 triệu hành khách/năm.
Trong vòng 15 năm qua (1999-2013), sản lượng hành khách qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt tốc độ 13,8%/năm, dự kiến đến năm 2030 đạt 53,4 triệu hành khách. Hoạt động Cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện nay tại nhiều thời điểm đã rơi vào tình trạng quá tải, nhà ga đã khai thác hết công suất thiết kế.
Hơn nữa, việc mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đạt công suất 40-50 triệu khách giai đoạn 2025-2030 là không khả thi vì Cảng này nằm trọng trong khu vục nội thành Thành phố Hồ Chí Minh nên việc nâng cao công suất khai thác sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dân sinh, ô nhiễm tiếng ồn, khí thải vượt xa tiêu chuẩn cho phép; khu vực vùng trời tiếp cận dành cho tàu bay cất hạ cánh của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất bị chồng lấn với vùng trời tiếp cận của căn cứ không quân Biên Hòa ở phía Bắc nên khi có hoạt động bay quân sự thì hàng không dân dụng vẫn bị hạn chế nhiều trong khi không thể cải tạo sân bay quân sự Biên Hòa thành cảng hàng không quốc tế hỗ trợ cho cảng hàng không Tân Sơn Nhất vì sân bay Biên Hòa có vị trí then chốt đảm bảo an ninh vùng trời khu vực Tây Nam.
Mặt khác, khi mở rộng nâng cấp xây dựng thêm công suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phá vỡ quy hoạch chung của Thành phố Hồ Chí Minh vì phải giải phóng mặt bằng, hệ thống các đường giao thông tiếp cận...
Theo nội dung tờ trình, vị trí lựa chọn xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành thỏa mãn các tiêu chí về hệ thống giao thông tiếp cận, đảm bảo đủ diện tích quy hoạch, khai thác hiệu quả và an toàn, thuận lợi trong tiếp cận bay, quản lý bay và quản lý vùng trời, mật độ dân cư và tỷ lệ đô thị hóa thấp, không có công trình cao tầng được xây dựng, tác động môi trường gây ra là tối thiểu…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 1943/TTg-KTN thông qua Báo cáo đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội Khóa XIII xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm 2014.
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm chủ trì tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đồng thời chủ trì phối hợp với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai và các địa phương liên quan rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, dự án hạ tầng giao thông theo quy định, tạo tính kết nối đồng bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Thủ tướng giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm tổ chức lập dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư và tổ chức triển khai thực hiện dự án theo quy định./.
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được chia làm 3 giai đoạn trong đó giai đoạn 1 tổng mức đầu tư toàn bộ khoảng 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng) xây dựng nhà ga hành khách công suất 25 triệu khách/năm, 2 đường cất hạ cánh song song; Giai đoạn 2 nhà ga hành khách công suất 50 triệu khách/năm, thêm 1 đường cất hạ cánh và mở cửa vào năm 2030; Giai đoạn sau cùng nhà ga có hành khách công suất 100 triệu hành khách/ năm với 4 đường cất hạ cánh.
Vốn đầu tư cho dự án sẽ được huy động từ nhiều nguồn như vốn nhà nước, vốn khu vực ngoài nhà nước, vốn ODA, BOT, PPP đồng thời hiện nay đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án như Tập đoạn ADPi (Pháp), Samsung, Công ty Cảng hàng không Incheon (Hàng Quốc), các tập đoàn của Nhật Bản...
Theo Vietnam+