Phương án đặt tên song song là cầu Nhật Tân và cầu Hữu nghị Việt - Nhật đã không được UBND TP Hà Nội đề xuất.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ký tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2014.
 
Nội dung tờ trình sẽ được HĐND thành phố thảo luận, thống nhất trong kỳ họp thứ 11 dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 2 – 6/12 tới đây.
 
Theo đó, UBND TP Hà Nội trình HĐND xem xét đặt tên và điều chỉnh độ dài 26 đường, phố như: Thọ Tháp, Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông (quận Cầu Giấy); Bằng Liệt, Hưng Phúc, Đông Thiên (quận Hoàng Mai); Thiên Hiền, Sa Đôi, Hòe Thị, Phú Đô, Nhổn, Tu Hoàng, Thị Cấm, Ngọc Trục, Đại Mỗ, Cầu Cốc, Miêu Nha, Cương Kiên, Đồng Me, Miếu Đầm (quận Nam Từ Liêm)…
 
 Cây cầu này sẽ có tên gọi chính thức trong một vài ngày tới.
Cây cầu này sẽ có tên gọi chính thức trong một vài ngày tới.
 
Đặc biệt, UBND TP Hà Nội cũng thống nhất trình HĐND xem xét đặt tên cho một công trình công cộng. Đây chính là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam bắc qua sông Hồng, nối phường Phú Thượng (Tây Hồ) với xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh). Theo đó, UBND thành phố đề xuất đặt tên cây cầu này là “cầu Nhật Tân”.
 
Trước đó, cuối tháng 8 vừa qua, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Hiroshi Fukada - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam - đã đề xuất đặt tên cây cầu này là cầu Hữu nghị Việt - Nhật để đánh dấu một bước tiến mới trong tình hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam.
 
Từ đó đến nay, việc đặt tên cho cây cầu mới này được người dân trong nước hết sức quan tâm. Trước khi UBND TP Hà Nội trình phương án nói trên, đã có phương án đề xuất 2 tên gọi cầu Nhật Tân và cầu Hữu nghị Việt - Nhật được đặt song song.
 
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên VTC News vào cuối tháng 9 vừa qua, ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho biết, từ trước tới nay, Nhật Tân chỉ là tên dự án chứ chưa phải là tên chính thức của cây cầu.
 
“Khi cầu xây xong mới bắt đầu quy trình đặt tên. Khi đó sẽ có tổ tư vấn nghiên cứu, rồi đề xuất lên UBND, HĐND TP Hà Nội. HĐND ra nghị quyết đặt tên cầu là gì thì đó mới là tên chính thức của cây cầu,” ông Long nói.
 
Liên quan đến việc tại sao cây cầu này không bắc qua phường Nhật Tân mà lại xuất hiện tên gọi này, ông Long cho hay:
 
“Trước đây khi tiến hành dự án, ban quản lý phải lấy một cái tên để gọi. Do không nắm được vấn đề nói trên (dự án không thuộc địa phận Nhật Tân) nên họ đã chọn tên Nhật Tân. Từ đó mọi người hay gọi là cầu Nhật Tân.”
 
Theo VTC News
.