Giữa tuyến đường huyết mạch của Thành phố Đỏ, bỗng mọc một cây cầu vượt lừng lững nối 2 cơ sở khám chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông. Sự xuất hiện của chiếc cầu này đã là chuyện lạ, nhưng lạ hơn là các cơ quan chức năng không hiểu sao lại có vẻ muốn né khi nhắc đến quá trình hình thành và tồn tại của cây cầu này…
Cầu xây xong đã lâu… dân vẫn không ngừng thắc mắc
Theo tìm hiểu của PLVN, ngày 12/10/2010, Sở Xây dựng và UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 4994/QĐ-UBND.ĐT phê duyệt Quy hoạch mặt bằng tổng thể và định vị công trình cầu vượt nối hai khối công trình Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông tại đường Nguyễn Phong Sắc, TP.Vinh.
|
Cây cầu vượt bệnh viện mọc lên giữa thành phố nhưng không có đơn vị nào quản lý giao thông |
Ngày 21/9/2011, Công ty TNHH Lương thực Miền Trung có đơn xin cấp phép xây dựng cầu vượt nối hai khối công trình bệnh viện – từ số nhà 136 sang số nhà 143 đường Nguyễn Phong Sắc với tổng chiều dài 47,20m. Ngày 22/9/2011, Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An cấp Giấy phép số 162/GP/SXD cho Cty này xây dựng cầu vượt nối 2 khối công trình của Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông. Và rất nhanh chóng, cây cầu vượt này được xây dựng.
Với suy nghĩ cầu vượt là để phục vụ người dân tham gia giao thông nên khi thấy chiếc cầu này chỉ phục vụ cho hoạt động của Bệnh viện Đa khoa Cửa Đông – phục vụ cho tư nhân; đã thế hai chân cầu đều nằm trên hành lang vỉa hè đường giao thông nên không ít người dân thắc mắc.
Bà Lê Thị Ngọc thắc mắc: “Cầu vượt là để dùng cho người dân qua đường, răng cầu vượt ni lại chui vô bệnh viện…”. Ông Nguyễn Văn Thành cho biết: “Gia đình tôi xây một ngôi nhà hay công trình nào đó thì đều phải xin phép để tránh vỉa hè cũng như hành lang an toàn giao thông chứ không thể nằm trên vỉa hè như cây cầu ni được…”.
Đem thắc mắc trên trao đổi với ông Nguyễn Xuân Kiên - Giám đốc Cty TNHH Lương thực Miền Trung (Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Cửa Đông), PLVN được biết, cầu vượt dựng lên phục vụ các y, bác sỹ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân - đấy là phục vụ nhân dân chứ không phải sử dụng riêng cho bệnh viện. Bệnh nhân khám chữa bệnh cũng như cấp cứu sẽ được an toàn khi đi qua cầu vượt mà không phải lưu thông qua đường phố. Cũng theo ông Kiên, cây cầu xây dựng với thiết kế đẹp, không làm mất mĩ quan cũng không cản trở giao thông và được các đơn vị chức năng trong tỉnh đồng tình ủng hộ cao.
Giao thông trên cầu, ai quản lý (?)
Để làm rõ chuyện “dân thì thắc mắc, các đơn vị trong tỉnh ủng hộ cao”, PLVN đã đến các cơ quan liên quan để tìm câu trả lời. Tại Sở Giao thông Vận tải Nghệ An - đơn vị quản lý giao thông trên địa bàn toàn tỉnh, một cán bộ Sở này cho hay, tuyến đường Nguyễn Phong Sắc có cầu vượt Bệnh viện Cửa Đông Sở không quản lý mà là do UBND thành phố quản lý.
Qua cấp thành phố, PLVN được Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Vinh Nguyễn Quốc Thắng cho biết: “Từ lúc xây xong đến khi đi vào hoạt động, Phòng không quản lý giao thông trên cầu vượt của bệnh viện, khi xây dựng cầu thì trụ cầu đã nằm trên vỉa hè giao thông của tuyến đường Nguyễn Phong Sắc. Cầu của bệnh viện nên bệnh viện quản lý, không có đơn vị nào quản lý giao thông trên cầu, phục vụ cho mục đích kinh doanh của bệnh viện. Cầu vượt được xây dựng có chủ trương của tỉnh cho phép”.
Trước đó, Phòng Quản lý đô thị TP.Vinh đã có văn bản góp ý: phải đảm bảo cảnh quan đô thị, không cản trở an toàn giao thông và khi Nhà nước có nhu cầu thì có thể trở thành cầu vượt của thành phố - ông Thắng cho biết thêm.
Chạy về cấp phường, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng Nguyễn Phúc Trang thừa nhận với PLVN: “Cầu vượt của Bệnh viện Cửa Đông từ ngày khánh thành đi vào hoạt động thì phía phường không tham gia quản lý trên tuyến cầu vượt đó. Được biết, trước đó công trình đã có giấy phép xây dựng của tỉnh. Trước mắt ảnh hưởng đối với địa phương chưa có gì, còn về sau thì cũng không ai nói trước được. Cả hai trụ cầu đều nằm trên hành lang vỉa hè, nhưng đã có quy hoạch và giấy phép xây dựng của tỉnh nên phường không có ý kiến gì”.
Trao đổi với ông Hoàng Trọng Kim – Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An về vấn đề này, ông Kim cho hay: “Cầu vượt được xây dựng theo chủ trương từ trên xuống. Đây là một cây cầu vượt bình thường mà người ta đã áp dụng trên các đô thị lớn như Hà Nội, không nên nghĩ là của riêng bệnh viện, họ chỉ phục vụ cho việc qua đường cho một số bộ phận trong bệnh viện đó là vì họ bỏ vốn đầu tư. Thỉnh thoảng nếu có tắc đường thì người ta hỗ trợ lối đi trên không chứ không có gì. Họ đảm bảo hình thức kiến trúc, đảm bảo chiều cao để các phương tiện lưu thông qua tuyến đường, họ bỏ tiền xây dựng cầu để lưu thông trên cao thì tốt quá”.
Lưu lượng giao thông trên tuyến đường này khá lớn, nhất là vào thời điểm tan tầm, bởi ngoài giao điểm của các tuyến đường có 4 bệnh viện thì nơi đây còn có Đại học Y Vinh. Nếu cầu vượt dân sinh thì sẽ giúp giảm tải giao thông trên điểm trên, nhưng cây cầu này được bắc qua để phục vụ cho bệnh viện, và đặc biệt, sự ý nhị của các cơ quan chức năng khi đề cập đến sự hình thành cây cầu khiến người dân không khỏi lấy làm lạ. PLVN sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này.
Theo PLO