Dự án đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn là dự án đầu tiên khởi công trong 11 dự án thành phần cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017- 2020 đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 1291 ngày 19/6/2018. Đây cũng là một trong 11 dự án thành phần theo Nghị Quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV tiếp tục đầu tư xây dựng một số đoạn Dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 654 km.

leftcenterrightdel
 Điểm đầu tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Ảnh: Xuân Nha

Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn đi trùng với đường Hồ Chí Minh. Đoạn tuyến có chiều dài xây dựng là 98,35km, đi qua các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) và các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.669 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. 

Cao tốc Cam lộ- La Sơn sau khi hoàn thành sẽ được khớp nối với tuyến cao tốc La Sơn- Túy Loan và tiếp tục được khớp nối với tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Như vậy sau khi 3 tuyến cao tốc này khớp nối nhau sẽ tạo ra tuyến cao tốc với điểm đầu từ huyện Cam Lộ (Quảng Trị) và điểm cuối là tại Quảng Ngãi. Tuyến này sau đó sẽ được khớp nối để tạo thành cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài khoảng 654 km.

Theo phê duyệt, giai đoạn đầu Dự án có mặt cắt ngang với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 12m. Riêng các đoạn nền đường đào sâu có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền 23m; Các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe.

Tuyến cao tốc này đóng vai trò rất quan trọng trong bước đột phá, khơi dậy tiềm năng kinh tế chưa được khai thác ở vùng đất phía Tây và tạo điều kiện lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. Đặc biệt tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa xã hội vùng chiến khu cách mạng Hòa Mỹ, Nam Đông...,nơi mà hiện nay cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông vận tải và đời sống của đồng bào các dân tộc còn rất nhiều khó khăn. Đồng thời, tuyến cao tốc cũng kết nối đến sân bay Phú Bài, cảng Chân Mây, rút ngắn thời gian lưu thông giữa hai địa phương là Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

leftcenterrightdel
 Đến nay, tiến độ dự án cơ bản đảm bảo. Ảnh: Xuân Nha

Tuyến cao tốc chính thức được khởi công vào ngày 16/9/2019. Đến nay, tiến độ dự án cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên có một số gói thầu thi công chậm tiến độ so với kế hoạch do ảnh hưởng của mưa lũ năm 2020 và khan hiếm vật liệu thi công tiêu chuẩn như đất, cát, đá. Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đại diện chủ đầu tư dự án, đến đầu quý II/2021, sản lượng bình quân toàn dự án đạt khoảng 39%.

Tại Quảng Trị, dự án có 3 gói thầu xây lắp theo thứ tự từ đầu tuyến là XL01, XL02 và XL03, thuộc giám sát của Phòng điều hành dự án 3 (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh). Trong đó, hai gói XL01, XL02 có thời gian thi công theo hợp đồng là 24 tháng (tháng 9/2019 đến tháng 9/2021) hiện tại cơ bản đã xong phần nền đường, đang triển khai đổ đá dăm.

Gói XL03 với chiều dài hơn 11km có tiến độ 21 tháng (từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022) được đánh giá là phức tạp, trong đó có vị trí tại địa phận Mỹ Chánh (Hải Lăng) phải đào bốc hơn 300.000 khối đất đá. Gói này có mũi chậm tiến độ (do Liên danh Tổng công ty 319 và Công ty CP 68 thực hiện) do mưa bão cuối năm 2020 làm sụt trượt ta luy dương, trôi cầu tạm, đường công vụ và phát sinh nước ngầm nên phải mất thời gian xử lý kỹ thuật.

leftcenterrightdel
Một điểm mà việc thi công gặp khó khăn do địa hình phức tạp. Ảnh Xuân Nha 

Về việc một số gói thầu chậm tiến độ, ông Nguyễn Văn Phan - Trưởng phòng điều hành dự án 3 (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) cho hay, Ban đã cùng với nhà thầu thi công và tư vấn thiết kế khảo sát, đề xuất giải pháp khắc phục. Bên cạnh việc đôn đốc nhà thầu lập lại tiến độ điều chỉnh để tăng mũi thi công, tăng thiết bị, nhân lực, tăng ca làm việc để bù lại khối lượng chậm thì Ban luôn quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng công trình. “Chúng tôi nhất quán quan điểm đẩy nhanh tiến độ nhưng chất lượng của dự án là trên hết”, ông Nguyễn Văn Phan nói.

leftcenterrightdel
 Cao tốc Cam Lộ - La Sơn có tổng vốn đầu tư khoảng 7.669 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Ảnh: Xuân Nha

Tại lễ khởi công dự án, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – nay là Chủ tịch nước yêu cầu đơn vị quản lý phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc định kỳ, và đột xuất để xử lý nghiêm vi phạm, không để xảy ra hư hỏng như một số công trình thời gian qua. Đồng thời, huy động người dân tham gia giám sát dự án. Thủ tướng nhấn mạnh, đại diện chủ đầu tư dự án không được để xảy ra tình trạng rút ruột công trình, mua bán thầu, chia nhỏ gói thầu, dẫn đến những công trình kém chất lượng, làm ít năm đã xuống cấp... Thủ tướng cũng nói rõ, càng là công trình có ý nghĩa đặc biệt thì càng phải xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn thành dự án kiểu mẫu trong tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Xuân Nha