Dù đã có quy định khá chặt chẽ, lái xe đường dài không được quá 4 giờ đồng hồ; không được nhồi nhét, chặt chém... Tuy nhiên, về cuối năm, nhu cầu đi lại lớn là cơ hội “kiếm ăn” của các doanh nghiệp vận tải. Quy định là vậy, nhưng khó kiểm soát chặt chẽ.

 


Doanh nghiệp vận tải vào mùa “kiếm ăn”

Theo nhận định của ông Trịnh Hoài Nam - Đội trưởng Đội kiểm soát bến xe Nước Ngầm thì lượng khách năm nay không tăng so với năm ngoái, thậm chí còn giảm do tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, bến xe Nước Ngầm vẫn bố trí từ 50-70 xe dự phòng để phục vụ hành khách trong trường hợp lượng khách tăng đột biến. Còn tại bến xe Giáp Bát, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe cho biết, trong 10 ngày trước Tết Nguyên đán, các nhà xe chủ yếu phục vụ tuyến ngắn từ 200km trở lại. “Nếu ngày bình thường, lượng xe xuất bến vào khoảng 950 xe/ngày; còn cao điểm khoảng 1.100 xe/ngày; lượng khách khoảng 20.000 người.

Cũng theo lãnh đạo bến xe Giáp Bát, bến xe đã thông báo với các nhà xe phải niêm yết giá trước ngày 15-12-2013 (âm lịch) để người dân được biết, nếu qua thời gian này mà không thay đổi thì bến xe sẽ yêu cầu giữ nguyên giá cũ.

Bộ GTVT cũng như Tổng cục đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành đều có Công điện, kế hoạch yêu cầu các doanh nghiệp vận tải quản lý chặt an toàn đi lại trong dịp Tết dương lịch cũng như Tết Nguyên đán 2014. Quy định là vậy, song trong dịp nghỉ Tết lượng khách nhiều, đối với các doanh nghiệp vận tải đây là mùa làm ăn. Vì vậy, khó có thể kiểm soát  được tình trạng xe chạy nhanh để quay đầu, lái xe quá 4 giờ đồng hồ….

Nhìn nhận về thực tế cũng như mối lo này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, vào dịp lễ Tết, có tình trạng doanh nghiệp vận dụng chủ trương chạy nhanh quay đầu xe để tận dụng người lái, tăng lượng khách. Lái xe vận hành liên tục trong ngày gây mệt mỏi và rất dễ xảy ra TNGT.  “Để khắc phục, Bộ GTVT đã chỉ đạo tăng cường xe (không phải quay đầu xe) đối với những xe chạy hợp đồng, thậm chí xe chạy một chiều, vì nếu chạy một chiều giá vé được tăng tối đa  60%, góp phần giảm áp lực”.

Không thể kiểm soát lái xe?

Ngoài ra, cũng theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào thiết bị giám sát hành trình - GPS để kiểm soát tốc độ, giờ lái xe. Tuy vậy, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cũng nhìn ra lỗ hổng trong việc quản lý này. Khó có thể kiểm soát giờ lái xe của lái xe thông qua thiết bị GPS. Bởi muốn kiểm soát giờ lái xe qua thiết bị GPS thì lái xe phải có thẻ quẹt mỗi khi thay ca. Hiện tại mới chỉ quản lý qua hình thức nhắn tin, mà như vậy thì ai cũng có thể nhắn được.

Giải pháp quẹt thẻ để kiểm soát lái xe cũng còn nhiều điều  đáng phải bàn. Ông Thân Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, muốn vậy thì thiết bị GPS lại phải lắp đặt thêm bộ phận nhận diện, quẹt thẻ, gây tốn kém, phiền hà. Rồi, các lái xe vẫn có thể mượn thẻ của nhau để quẹt, qua mặt cơ quan quản lý.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cũng như các doanh nghiệp vận tải, bắt buộc tăng cường thêm lái xe. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang rà soát, kiểm tra vấn đề quản lý Nhà nước về điều kiện kinh doanh vận tải. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho hay, những bất cập, lỗ hổng trong quản lý vận tải sẽ được sửa đổi tại NĐ 91 và 93 về điều kiện kinh doanh vận tải gắn với trách nhiệm của chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, sẽ sửa đổi theo hướng tăng thực quyền cho các bến xe. “Việc kiểm tra xe trước khi xuất bến có vai trò cực kỳ quan  trọng, như xe có đủ 2 lái xe không, có đủ điều kiện không, phương tiện ra sao, hành khách thế nào…nhưng hiện nay các bến xe lại không làm chức năng quản lý nhà nước. Đây đang là lỗ hỗng cần được sửa chữa trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia bày tỏ.
 

Theo An ninh Thủ đô

.