Sản xuất 9,5 triệu quyển sách giáo khoa giả

VKSND tối cao vừa ban hành Cáo trạng vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty Phú Hưng Phát, Đội Quản lý thị trường số 17 Hà Nội và Tổng cục Quản lý thị trường.

Theo nội dung cáo trạng, từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2021, Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát cùng nhiều đồng phạm đã tổ chức sản xuất và thực tế nhập kho tổng số gần 9,5 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản khác với tổng trị giá sách theo bìa là 260 tỉ đồng, đồng thời, tổ chức tiêu thụ tổng số 6,3 triệu quyển sách giả, tổng giá trị sách theo giá bìa là 164 tỉ đồng, với tổng trị giá theo hóa đơn bán lẻ sau khi trừ chiết khấu là 73 tỉ đồng, thu lợi bất chính với tổng số tiền thực tế là 30 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Bị can Trần Hùng, Nguyễn Duy Hải (hàng trên từ trái qua) và 3 cán bộ quản lý thị trường bị bắt trong vụ án. Ảnh: CACC

Trong đó, Cao Thị Minh Thuận là người chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả tại Công ty Phú Hưng Phát, chỉ đạo các bị can Nguyễn Hữu Trung, Nguyễn Thị Liên, Hoàng Thị Thúy Hằng, Trần Thị Thu Trang thực hiện tội phạm;

Bị can Nguyễn Mạnh Hà trực tiếp chỉ đạo sản xuất giúp sức cho Cao Thị Minh Thuận thực hiện hành vi sản xuất sách giả, trong đó, các bị can: Hoàng Mạnh Chiến, Hoàng Thị Ánh Vân, Đỗ Đức Thắng, Nguyễn Đình Khương đã giúp sức cho Nguyễn Mạnh Hà thực hiện hành vi sản xuất sách giáo khoa giả của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam;

Các bị can Nguyễn Minh Đức, Nguyên Mạnh Thắng thực hiện hành vi in bản kẽm; các bị can Đô Đức Tiến, Lục Văn Quán, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Phương, thực hiện hành vi in trái phép; bị can Nguyễn Văn Toàn thực hiện hành vi sản xuất tem trái phép; các bị can Nguyễn Quốc Toản, Đinh Văn Thắng, Nguyễn Thị Thanh, Lê Đình Quý, Trần Thị Lan, Trần Văn Hoan, Lưu Hồ Thịnh thực hiện hành vi gia công, hoàn thiện sách, giúp sức cho Cao Thị Minh Thuận thực hiện tội phạm; các bị can Văn Thị Hiền, Đỗ Văn Được, Phan Thị Thanh Thoan, Hoàng Kim Oanh, Phan Thị Ngọc Hoàn thực hiện hành vi mua sách giáo khoa giả của Cao Thị Minh Thuận.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Trong quá trình giải quyết vụ việc vi phạm xảy ra tại Công ty Phú Hưng Phát bị Đội QLTT số 17 kiểm tra ngày 9/7/2020, mặc dù có đủ dấu hiệu chuyển Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền nhưng Lê Việt Phương đã chỉ đạo Thành Thị Đông Phương xây dựng hồ sơ, báo cáo đề xuất theo hướng xử lý hành chính đối với vụ việc theo ý kiến của Trần Hùng, đồng thời đã nhận 310 triệu đồng do Cao Thị Minh Thuận cảm ơn; Phạm Ngọc Hải, được giao nhiệm vụ chủ trì việc tiêu hủy số lượng sách thu giữ của Công ty Phú Hưng Phát đã làm trái công vụ, tự ý trả lại một phần số sách đã thu giữ và nhận 30 triệu đồng từ Nguyễn Mạnh Hà.

Hành vi của Lê Việt Phương, Thành Thị Đông Phương và Phạm Ngọc Hải đã làm trái công vụ, dẫn đến hậu quả vụ việc vi phạm xảy ra tại Công ty Phú Hưng Phát có dấu hiệu hình sự nhưng chỉ xử lý hành chính và Công ty Phú Hưng Phát được hưởng lợi một số lượng sách bị thu giữ, đồng xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của lực lượng quản lý thị trường.

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng kiểm tra kho sách giáo khoa giả.

Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ.

Quá trình Đội QLTT số 17, Cục QLTT TP Hà Nội tiến hành giải quyết vụ việc vi phạm xảy ra tại Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm Giám đốc, lợi dụng chức vụ là Tổ trưởng Tổ công tác 304, Tổng cục QLTT có quyền tham gia phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm tra, Trần Hùng đã nhận 300 triệu đồng của Cao Thị Minh Thuận thông qua Nguyễn Duy Hải.

Sau đó, Trần Hùng tiếp nhận yêu cầu của Thuận, hướng dẫn Thuận thay đổi lời trình bày về nguồn gốc sổ sách thu giữ, làm sai lệch bản chất vụ việc, đồng thời, chỉ đạo Lê Việt Phương tạo điều kiện cho Thuận theo hướng xử lý hành chính đối với vụ việc.

Truy tố 34 bị can

VKSND tối cao truy tố 34 bị can ra trước TAND TP Hà Nội với các nhóm tội danh các bị can bị truy tố về tội  “Sản xuất, buôn bán hàng giả” quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Phú Hưng Phát; Nguyễn Hữu Trung;

Các bị can bị truy tố về tội “Sản xuất hàng giả” quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thuộc Công ty Phú Hưng Phát và Công ty Cổ phần in và văn hóa Truyền thông Hà Nội, các doanh nghiệp tư nhân gồm: Nguyễn Mạnh Hà, Đỗ Đức Tiến, Nguyễn Ngọc Phương; Lục Văn Quán; Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Quốc Toản; Đinh Văn Thăng; Nguyễn Thị Liên; Hoàng Mạnh Chiến, Hoàng Thị Ánh Vân; Đỗ Đức Thắng; Nguyễn Minh Đức, Trần Văn Hoan, Lê Đình Quý, Lưu Hồ Thịnh; Trần Thị Lan;  Nguyễn Mạnh Thắng, Nguyễn Đình Khương; Nguyễn Văn Toàn.

Các bị can bị truy tố về tội "Mua, bán hàng giả" quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):  Hoàng Thị Thúy Hằng, Nguyễn Thị Thu Trang, Văn Thị Hiền, Phan Thị Thanh Thoan, Hoàng Kim Oanh, Phan Thị Ngọc Hoàn

Bị can Trần Hùng (Chuyên viên Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

Bị can Nguyễn Duy Hải bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 365 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Các bị can: Lê Việt Phương, Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương, thuộc Đội Quản lý thị trường số 17 bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 1 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

 

Hà Nhân