Dự kiến cuối tháng 4/2025, TAND thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử Nguyễn Ngọc Phương (Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng Phú Cường) cùng đồng phạm trong vụ án Vận chuyển trái phép qua biên giới hơn 426 triệu USD, tương đương hơn 9.492 tỉ đồng.

VKSND tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố 13 bị can về các tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”; “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”

Trong đó, bị can Nguyễn Ngọc Phương (Giám đốc Công ty cổ phần Vàng Phú Cường), về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, quy định tại khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự và tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, quy định tại khoản 4 Điều 206 Bộ luật Hình sự.

leftcenterrightdel
 Các bị can trong vụ án. Ảnh: BCA

Bị can Đinh Thị Diệu Thúy (Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Lotte P&D Việt Nam) bị truy tố về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” quy định tại khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Có 8 bị can khác bị truy tố về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, quy định tại khoản 3 Điều 189 Bộ luật Hình sự, gồm: Phan Thị Thu Thủy (lao động tự do); Đoàn Anh Tuấn (lao động tự do); Trần Tuấn Vinh (kinh doanh tự do); Trần Vinh Quang (cựu Nhân viên Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T); Hà Văn Khiến (lao động tự do); Phạm Văn Thắng (lao động tự do); Phùng Thị Mai Phương (kinh doanh tự do) và Ngô Thị Thanh Huyền (cựu nhân viên phần mềm Tập đoàn FPT).

Các bị can: Vũ Tiến Sơn (cựu Chánh Văn phòng Đảng ủy một ngân hàng); Hoàng Thị Mai Vân (cựu Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp một chi nhánh ngân hàng) và Phạm Đức Mạnh (Giám đốc Phòng giao dịch một chi nhánh ngân hàng) bị truy tố tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, quy định tại khoản 4 Điều 206 Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, từ năm 2014 – 2018, Nguyễn Ngọc Phương chỉ đạo nhân viên sử dụng 7 doanh nghiệp trong nước của Phương gồm: Công ty Phú Cường, Công ty Quốc tế DPC, Công ty Lăng Nguyên, Công ty DPC Hà Nội, Công ty Giá Diệp, Công ty Aqua-com, Công ty Đông Đô và 3 doanh nghiệp ở Hồng Kông (Công ty Louis, Công ty International và Công ty Global) để lập khống hồ sơ thanh toán quốc tế, chuyển trái phép 148 lượt tiền ra nước ngoài.

Việc chuyển tiền được thực hiện thông qua 7 tổ chức tín dụng của Việt Nam, với tổng số tiền hơn 214 triệu USD, tương đương hơn 4.719 tỉ đồng.

Ngoài hành vi chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài, từ năm 2014-2018, Nguyễn Ngọc Phương còn chuyển trái phép tiền từ nước ngoài về Việt Nam, với tổng số tiền 212 triệu USD, tương đương 4.773 tỉ đồng.

Cáo trạng của VKSND tối cao nêu rõ, với vai trò chủ mưu, cầm đầu, Nguyễn Ngọc Phương đã chỉ đạo các bị can đồng phạm thực hiện hành vi chuyển tiền trái phép qua biên giới giữa Việt Nam và Hồng Kông với tổng số tiền chuyển trái phép đi/về hơn 426 triệu USD, tương đương hơn 9.492 tỉ đồng.

Để có tiền chuyển ra nước ngoài, Nguyễn Ngọc Phương đã câu kết với cán bộ ngân hàng và chỉ đạo nhân viên lập khống hồ sơ để vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng. Trong đó, Phương gây thiệt hại cho một ngân hàng hơn 42 tỉ đồng.

Trong vụ án này, bị can Phan Thị Thu Thủy làm việc cho Nguyễn Ngọc Phương từ năm 2011, được giao nhiệm vụ đứng tên Giám đốc Công ty Quốc tế DPC và giúp Phương trực tiếp quản lý điều hành chung.

Còn bị can Đinh Thị Diệu Thúy được Nguyễn Ngọc Phương giao nhiệm vụ phụ trách tài chính kế toán từ năm 2014 – 2018.

Theo chỉ đạo của Nguyễn Ngọc Phương, Thủy và Thúy cân đối số tiền cần vay ngân hàng, cần chuyển ra nước ngoài thông qua các hợp đồng tín dụng, hợp đồng nhập khẩu... sau đó, chỉ đạo nhân viên lập khống hồ sơ giải ngân, hồ sơ thanh toán quốc tế, giúp chuyển trái phép 148 lượt tiền ra nước ngoài, với tổng số tiền 214 triệu USD, tương đương hơn 4.719 tỉ đồng.

Cả Phan Thị Thu Thủy và Đinh Thị Diệu Thúy cùng không tham gia vào việc lập hồ sơ chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam, không biết Phương chuyển về Việt Nam bao nhiêu tiền, chuyển về bằng cách nào nên không phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền Nguyễn Ngọc Phương chuyển trái phép từ Hồng Kông về Việt Nam.

Đáng chú ý, trong vụ án này còn đối tượng Nguyễn Thị Hồng Nga (vợ Nguyễn Ngọc Phương), đứng tên đại diện pháp luật Công ty International và quản lý, sử dụng tài khoản của Công ty Louis, Công ty Global theo ủy quyền của Nguyễn Ngọc Phương và Trần Vinh Quang.

Từ năm 2014-2018, Nguyễn Ngọc Phương đã chuyển trái phép từ Việt Nam vào tài khoản Công ty Louis, Công ty International và Công ty Global ở Hồng Kông với tổng số tiền hơn 214 triệu USD, tương đương hơn 4.719 tỉ đồng và từ tài khoản 3 công ty ở Hồng Kông này, chuyển về tài khoản của Nguyễn Thị Hồng Nga, Nguyễn Ngọc Phương, Trần Vinh Quang và tài khoản một số công ty của Phương ở Việt Nam tổng số tiền hơn 212 triệu USD, tương đương hơn 4.773 tỉ đồng.

Ngày 24/6/2023, Nga đã xuất cảnh sang Hàn Quốc, chưa nhập cảnh về Việt Nam, không có mặt tại nơi cư trú. Ngày 17/7/2024, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT),  Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã đối với Nguyễn Thị Hồng Nga.

Ngày 22/7/2024, Cơ quan ANĐT Bộ Công an ra Quyết định tách vụ án hình sự đối với hành vi của Nguyễn Thị Hồng Nga để chờ bắt được bị can sẽ điều tra, xử lý.

Ngày 23/7/2024, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Nguyễn Thị Hồng Nga.

Vũ Phương