Cụ thể, vào tháng 12/2006, Công ty Xây dựng 79 (Công ty 79, do ông Phan Văn Anh Vũ làm giám đốc) đã có tờ trình mua lại khách sạn Sông Hàn với giá đất kinh doanh (bằng 70% giá trị chuyển nhượng hiện tại), đồng thời, sẽ cam kết đầu tư nâng cấp khách sạn này thành khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao phục vụ phát triển du lịch thành phố. Khoảng 2 tháng sau, tức tháng 2/2007, sau 1 lần đăng trên báo về việc đấu giá công khai, UBND TP.Đà Nẵng đã có Công văn 582/UBND-QLĐTh đồng ý bán nhà và đất nêu trên cho Công ty 79.
Sau khi có văn bản đồng ý bán của UBND TP.Đà Nẵng, Công ty 79 được giảm 20% trên tổng giá trị chuyển quyền sử dụng đất, giảm thêm 10% trên tổng giá trị tiền sử dụng đất phải nộp nếu Công ty nộp một lần tiền trong vòng 30 ngày. Đến tháng 3/2007, TP.Đà Nẵng đã bán khách sạn Sông Hàn cho Công ty 79 với giá 38,1 tỷ (giá trị đất 27,2 tỷ). Đến tận tháng 3/2009, tức sau 2 năm Công ty 79 mới nộp tiền vào ngân sách nhưng vẫn được giảm 10% tiền sử dụng đất (2,7 tỷ). Số tiền thực nộp chỉ là 35,4 tỷ đồng.
|
|
Khách sạn này trước đây là khu đất công sản được bán cho Công ty 79, sau đó công ty này bán lại cho một đơn vị khác |
Tương tự, vào tháng 11.2007, Công ty 79 cũng được mua khu đất 38 Bạch Đằng (một phần TAND cũ) với lý do "xây dựng khách sạn 4 - 5 sao, phục vụ nhu cầu du lịch". Sau đó 1 tháng, tức tháng 12/2007, TP.Đà Nẵng đồng ý bán khu đất có diện tích 700,80m2 cho Công ty 79 với giá gần 12,2 tỷ đồng. Đến tháng 3/2009, Công ty 79 mới chuyển số tiền trên vào ngân sách thành phố nhưng vẫn được giảm 10% tiền sử dụng đất. Tức là chỉ nộp 10,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng loạt căn nhà, đất công sản khác như các nhà 45,47,49, 73 Nguyễn Thái Học; 16, 20, 158, 100, 86, 07 Bạch Đằng; 106 Trần Phú, 37 Pasteur, 354, 81, 89 Hùng Vương; 2 Hải Phòng; 57, 319 Lê Duẩn; 82 Trần Quốc Toản; 107 Hoàng Hoa Thám; 22 Cô Giang; 32 Lê Hồng Phong; 34 Hoàng Văn Thụ… cũng được Phan Văn Anh Vũ mua với giá khá rẻ so với giá thực tế thị trường.
|
|
Nhà 45,47,49 Nguyễn Thái Học |
Còn tại dự án Khu đô thị Harbour Ville của Công ty Mega, gồm các lô đất A2,4,6,8 thuộc khu đô thị phức hợp cao tầng của phường Thọ Quang (Sơn Trà), cũng có liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ. Tài liệu cho thấy, Khu đô thị phức hợp này có diện tích 170,2 ngàn m2 ban đầu do Công ty Xây dựng Công trình giao thông 586 thực hiện. Đến tháng 3/2011, đơn vị này chuyển quyền sử dụng đất cho ông Phan Văn Anh Vũ và đã được UBND TP.Đà Nẵng đồng ý, mức giá là 2,5 triệu/m2. Một tháng sau, ông Vũ "nhôm" xin xem xét lại mức giá và được thành phố giảm xuống còn 812 ngàn đồng/m2 với điều kiện đơn vị tự chịu san lấp mặt bằng.
Mua được khu đất này ông Phan Văn Anh Vũ đã phân khu đất thành 527 lô, được cấp sổ đỏ, một mặt dùng huy động vốn, mặt khác đem đi cầm cố ngân hàng trong khi khu đất này chưa triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy hoạch. Số liệu cho thấy, nhà đầu tư chỉ nộp số tiền ban đầu là 124,4 tỷ đồng (đã giảm 10%) thay vì phải nộp gần 383 tỷ nếu nhà nước chịu khoản chi phí san lấp mặt bằng, làm cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, đối với việc chuyển nhượng từng lô, nhà đầu tư cũng thu 527 tỷ (đối với 527 lô đất) và trục lợi 144 tỷ đồng.
|
|
Khu đất trên đường Bạch Đằng Đà Nẵng, Công ty 79 cũng mua từ đất công sản |
Như báo BVPL đã đưa tin, tháng ngày 20/12/2017, Bộ Công An đã có quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ đã với hành vi: “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”. Ngày 22/12/2017, Bộ Công An phát lệnh truy nã đối với Phan Văn Vũ. Ngày 04/01/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành tiếp nhận bắt bị can Phan Văn Anh Vũ và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật khi ông này bị trục xuất về Việt Nam từ Singapore. Mới đây nhất, ngày 07/2/2018, VKSND tối cao có quyết định phê chuẩn khởi tố thêm tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đối với Phan Văn Anh Vũ.
Đối với những tài sản mà Phan Văn Anh Vũ đang sở hữu tại Đà Nẵng, ngày 26/12/2017, UBND TP.Đà Nẵng có Văn bản số 10464/UBND – NC gửi các sở, ban, ngành thuộc thành phố về việc tạm ngừng giao dịch chuyển đổi chủ sở hữu tài sản của Phan Văn Anh Vũ.
Xuân Nha - Đ.C