Liên quan đến những bê bối, gian lận trong việc cấp bằng 2 tiếng Anh tại Trường Đại học Đông Đô, VKSND tối cao đã ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Đồng thời, đề nghị xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức khi sử dụng bằng giả.

Đáng chú ý, trong danh sách 626 người được cấp văn bằng 2 tiếng Anh, trong đó, Cơ quan An ninh điều tra đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo.

Kết luận điều tra mới chỉ nêu chung số liệu các trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo từng lần cấp, chưa rõ danh sách được cấp bằng không qua đào tạo từng lần. Vì vậy, cần xác định rõ những trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo của từng lần cấp bằng giả và từng bị can phải chịu trách nhiệm về việc làm giả đối với các trường hợp cụ thể.

VKSND tối cao yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp được cấp bằng không đúng quy định. Cơ quan điều tra mới thu giữ 67 văn bằng gốc, nên VKSND tối cao yêu cầu tiếp tục thu hồi 126 văn bằng còn lại. Đối với 60 trường hợp sử dụng bằng giả hiện mới xác định được 25 người (22 người rút hồ sơ dừng chương trình học, 3 trường hợp xin thôi học thạc sĩ, rút kết quả thi nâng ngạch Thanh tra viên). Còn 35 trường hợp còn lại, VKSND tối cao yêu cầu xác định rõ, đã sử dụng bằng giả như thế nào; đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hậu quả 60 trường hợp sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ.

leftcenterrightdel
 VKSND tối cao yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp được cấp bằng không đúng quy định. Ảnh: Các đối tượng chính trong vụ sai phạm tại ĐH Đông Đô.

Nhiều chuyên gia, đại biểu, học giả cho rằng, việc xác minh danh tính 626 trường hợp nhận bằng của Đại học Đông Đô là điều cần thiết để xem xét, xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự.

Đặc biệt, những trường hợp sử dụng bằng cấp giả để thăng quan, tiến chức cần phải công khai danh tích, hình thức kỷ luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, đại biểu Cao Đình Thưởng, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc VKSND tối cao đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung và đề nghị xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức khi sử dụng bằng giả là cần thiết.  

Cũng theo đại biểu Cao Đình Thưởng, cần phải làm rõ, công khai những trường hợp cán bộ, công chức, đảng viên không qua tuyển sinh, thi tuyển, không học mà vẫn có bằng giả của Đại học Đông Đô.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, cần công khai những trường hợp cán bộ, công chức không qua tuyển sinh, thi tuyển không học mà vẫn có bằng giả của Đại học Đông Đô.

Theo Đại biểu Cao Đình Thưởng, “Liên quan đến sai phạm tại Đại học Đông Đô, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ các nguyên nhân khách quan. Bởi có người đi học thật, nhưng không biết trường có được phép đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh hay không, đạo tạo thật, giả như thế nào.

Đại học Đông Đô là trường đại học có tư cách pháp nhân, được phép hoạt động. Còn việc trường này được cấp phép đào tạo ngành nào, hệ nào, người học sẽ khó có thể biết được”.

“Nhưng đối với những cán bộ, công chức biết rõ nhà trường chưa được cấp phép đào tạo, nhà trường cũng không thực hiện đúng quy chế tuyển sinh, đào tạo mà vẫn cố tình để có bằng cấp thì phải xử lý thật nghiêm.

Rõ ràng, những trường hợp không đủ điều kiện được cấp bằng mà trường vẫn cấp bằng khống là vi phạm quy chế. Như vậy, cần làm rõ trách nhiệm người học và nhà trường”, đại biểu Cao Đình Thưởng nói.

Cũng theo đại biểu Cao Đình Thưởng, đối với cán bộ, đảng viên vi phạm thì càng phải xem xét, xử lý đúng quy định pháp luật , dù người đó là ai, đang giữ cương vị nào.

 

Vũ Phương