Hai bị cáo trong vụ án là Lý Thị Thúy (SN 1981, quê tỉnh Đồng Tháp, nguyên thủ quỹ, kế toán Phòng Nội vụ huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) phạm tội “Tham ô tài sản”; Võ Hồng Mẫn (SN 1975, quê tỉnh Đồng Tháp, nguyên Trưởng phòng Nội vụ huyện Tân Hồng) phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
|
|
Nữ thủ quỹ, kế toán Phòng Nội vụ huyện Tân Hồng tham ô tài sản. (Ảnh minh hoạ) |
Theo nội dung vụ án, từ tháng 4/2016 đến tháng 10/2017, bị cáo Lý Thị Thúy đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là thủ quỹ, kế toán Phòng Nội vụ huyện Tân Hồng chiếm đoạt tài sản mà bị cáo có trách nhiệm quản lý số tiền hơn 1,4 tỉ đồng từ nguồn tạm ứng ngân sách và kinh phí khen thưởng của Phòng Nội vụ. Sau khi nhận hơn 1,7 tỉ đồng từ nguồn kinh phí bầu cử do Uỷ ban bầu cử tỉnh cấp, theo phân công thì bị cáo Thúy phải nộp hoàn tạm ứng cho ngân sách huyện 350 triệu đồng nhưng bị cáo không nộp mà chiếm đoạt số tiền trên.
Bị cáo Võ Hồng Mẫn chỉ đạo cho thủ quỹ Nguyễn Thị Ngọc Linh rút hơn 843 triệu đồng giao lại cho bị cáo Thúy quản lý, tập hợp để hoàn tạm ứng, bị cáo Thúy nhận xong không nộp hoàn tạm ứng cho ngân sách. Các năm 2015, 2016, 2017 bị cáo Thúy nhận kinh phí khen thưởng về nhưng không chi cho các cá nhân, tổ chức được khen thưởng mà chiếm đoạt hơn 214 triệu đồng. Quá trình điều tra phát hiện bị cáo Thúy chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1,4 tỉ đồng, gồm kinh phí bầu cử còn nợ tạm ứng ngân sách huyện 350 triệu đồng, kinh phí của ngân sách huyện cấp bổ sung để hoàn tạm ứng hơn 843 triệu đồng và quyết toán khống kinh phí khen thưởng chiếm đoạt hơn 214 triệu đồng.
Cuối tháng 10/2016, anh Huỳnh Thành Nhân chuyển công tác về Chi Cục thuế thị xã Hồng Ngự, lúc này bị cáo Mẫn đã quyết định phân công bị cáo Thúy làm kế toán trưởng trong thời gian chờ biên chế mới, phân công Nguyễn Thị Ngọc Linh làm thủ quỹ (phân công trong cuộc họp cơ quan, không ra quyết định). Khi được UBND huyện Tân Hồng duyệt cấp bổ sung kinh phí để hoàn tạm ứng hơn 843 triệu đồng, bị cáo Mẫn đã chỉ đạo Linh sau mỗi lần rút tiền về đưa lại cho bị cáo Thúy quản lý để nộp hoàn tạm ứng. Bị cáo Mẫn chỉ đạo thủ quỹ phải giao tiền cho bị cáo Thúy giữ sai quy định. Mặc khác, bị cáo Mẫn không tổ chức kiểm tra việc bị cáo Thúy nộp hoàn tạm ứng là không làm hết trách nhiệm của người đứng đầu. Sau nhiều lần UBND huyện mời họp xử lý nợ tạm ứng bị cáo Mẫn vẫn tiếp tục không kiểm tra để phát hiện hành vi vi phạm của bị cáo Thúy. Chính hành vi thiếu trách nhiệm của bị cáo Mẫn đã tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo Thúy chiếm đoạt số tiền hơn 843 triệu đồng trong một thời gian dài mà không bị phát hiện.
|
|
Quyết định kháng nghị phúc thẩm. |
Theo Viện cấp cao 3, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt người thực hiện hành vi phạm tội đối với Huỳnh Thành Nhân và xác định không đúng tội phạm mà bị cáo Võ Hồng Mẫn thực hiện.
Theo đó, Nhân đã lập giấy nộp hoàn tạm ứng ngân sách huyện 350 triệu đồng và đưa cho bị cáo Thúy để nộp. Tuy nhiên, sau khi bị cáo Thúy rút tiền về, Nhân chỉ hỏi bị cáo Thúy đã nộp 350 triệu đồng cho ngân sách huyện chưa, không yêu cầu bị cáo Thúy cung cấp giấy tờ nộp tiền để kiểm tra, lưu trữ theo quy định nên không phát hiện được bị cáo Thúy không nộp tiền hoàn tạm ứng.
Trong quá trình điều tra, Nhân tự nhận thấy việc chiếm đoạt tiền của bị cáo Thúy có phần trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra đối chiếu chứng từ, không muốn bị xử lý trách nhiệm cá nhân ảnh hưởng đến công việc hiện tại nên đã tự nguyện nộp 350 triệu đồng vào ngân sách, khắc phục hậu quả.
“Hành vi không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ kế toán, theo quy định tại Điều 4 của Luật Kế toán năm 2015 của Nhân đã tạo điều kiện cho bị cáo Thúy chiếm đoạt số tiền 350 triệu đồng. Bản án sở thẩm cho rằng Nhân đã tự nguyện nộp số tiền 350 triệu đồng để khắc phục hậu quả nên chưa đủ cơ sở xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với Nhân là không có căn cứ. Hành vi nêu trên của Nhân có dấu hiệu phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm không tiến hành khởi tố điều tra, truy tố, xét xử đối với Nhân là có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội”, quyết định kháng khị nêu rõ.
Ngoài ra, cấp sơ thẩm xác định không đúng tội phạm mà bị cáo Mẫn thực hiện. Bị cáo Mẫn là người có chức vụ, quyền hạn đã chỉ đạo thủ quỹ giao tiền cho kế toán quản lý để hoàn tạm ứng là sai quy tắc kế toán, vi phạm quy định tại khoản 7 Điều 13, khoản 4 Điều 52 Luật Kế toán năm 2015 và khoản 3 Điều 19 Nghị định số 74/2016/NĐ-CP của Chính phủ. “Hành vi của bị cáo Mẫn có dấu hiệu phạm tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ’. Trong thời gian bị cáo Thúy chiếm đoạt hơn 843 triệu đồng, thì bị cáo Mẫn đã nhiều lần nhận tiền từ bị cáo Thúy với tổng số tiền hơn 196 triệu đồng. Do đó, đủ căn cứ xác định giữa bị cáo Mẫn và bị cáo Thúy có phát sinh giao dịch số tiền. Như vậy, bị cáo Mẫn đã vì động cơ cá nhân dựa vào chức vụ quyền hạn được giao để làm trái, làm không đúng quy định của pháp luật về kế toán”, quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP HCM nêu rõ./.