39 cây gỗ các loại, đường kính phổ biến từ 9 - 30 cm, tại tiểu khu 299, Khu BTTN Tà Cú đã bị chặt hạ trái phép.
Trao đổi với phóng viên BVPL, ông Huỳnh Hiếu- Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận, người dẫn đầu đoàn công tác vừa thực hiện chuyến kiểm tra hiện trường vụ phá rừng, cho biết, khu vực rừng bị phá thuộc tiểu khu 299, thuộc địa giới hành chính xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam. Cây gỗ bị chặt hạ chủ yếu có đường kính từ 9 – 30 cm, trên diện tích gần 400 m2.
Cũng theo ông Hiếu, hơn một tháng trước, tại tiểu khu 302A, thuộc khu vực rừng Cỏ Nổ, xã Tân Thuận, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện cây rừng bị chặt hạ hàng loạt trên diện tích 1,2 ha. Các loại cây chủ yếu tại rừng này là dầu, xay, căm xe,.. trong đó có những cây trâm đỏ có đường kính 60 cm.
Nhiều cây khác trong tình trạng bị cưa, chặt dạm xung quanh gốc, đang chết dần và sẽ gãy đổ khi gặp gió lớn.
|
|
Phá rừng hàng loạt, lấy đất sản xuất đang là thực trạng xảy ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Ảnh: MV. |
Tại buổi kiểm tra hiện trường vào sáng 17/10, ông Võ Hữu Phương- Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Khu BTTN Tà Cú cho biết, các đối tượng phá rừng chủ yếu để chiếm đất trồng thanh long.
Trao đổi với báo chí, ông Huỳnh Hiếu, cho rằng, khả năng vụ phá rừng có tổ chức. Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam phối hợp với Công an huyện Hàm Thuận Nam và các cơ quan liên quan củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án. “Quan điểm chỉ đạo là củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án. Chúng tôi đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm Hàm Thuận Nam khẩn trương xác minh để sớm hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định”.- ông Hiếu khẳng định.
|
|
Gần đây nhất có hai vụ phá rừng. khoảng 1,6 ha rừng đã bị xóa sổ, trong đó có những cây gỗ có đường kính hơn nửa mét. Ảnh: T.Th |
Khu BTTN Tà Cú (còn được viết là Tà Kú, Tà Kóu) rộng gần 11.900 ha, nằm phía Nam huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.
Theo phân loại của các tổ chức quốc tế, Khu BTTN Tà Cú thuộc điểm nóng về đa dạng sinh học Miến Điện - Đông Dương, thuộc vùng sinh thái Trường Sơn, một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới và nằm trong tiểu vùng sinh thái quan trọng cần bảo tồn khẩn cấp.
Rừng Tà Cú được ghi nhận có khoảng 10 loài động vật trong danh mục nguy cấp quý hiếm, chưa kể còn có loài thằn lằn đá Cyrtodactylus takouensis sp. nov. - được coi là đặc hữu cho phía Nam Việt Nam và mới chỉ tìm thấy ở núi Tà Cú.
Ngoài ra, có ít nhất 15 loài thực vật nguy cấp được thống kê tại đây.
Dù được đầu tư bảo vệ, tuy nhiên tại rừng Tà Cú thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng lấn chiếm đất, khai thác gỗ trái phép, cháy rừng.
Văn Nguyễn