Từ vài năm nay, giữa rừng phòng hộ căm xe tại vị trí cuối thôn Sông Búng, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa, xuất hiện một trại chăn nuôi, kề bên là một nhà ở được xây dựng kiên cố. Theo phản ánh của người dân trong thôn, đây là nhà và trại chăn nuôi của một cán bộ lãnh đạo xã Ninh Tây.

Trả lời Phóng viên về thông tin trên, ông Nguyễn Công Hà- Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Ninh Hòa, xác nhận: Ban quản lý đã cho ông Tịnh- Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây “mượn” hai trăm mấy chục héc ta từ hai năm nay. Việc “mượn” có lập hợp đồng. Người “mượn” rừng được phép chăn thả vật nuôi trong phạm vi rừng được giao, đổi lại, có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng, cung cấp thông tin liên quan đến diện tích rừng được giao. “Cho người ta nuôi dê thì phải cho làm trại chứ. Nuôi dê chả ảnh hưởng gì, rừng lớn mà!” - ông Hà nói.

Trên thực địa, ngoài trại chăn dê được dựng giữa rừng căm xe, có kết cấu khung sắt, mái tôn, kề bên còn có một nhà ở được xây dựng kiên cố. Một số diện tích đất rừng quanh nhà được trồng cỏ. Kề bên khu nhà và trại chăn nuôi về phía Tây Nam, giữa rừng căm xe, một khu rẫy lớn với chiều dài hơn nửa cây số đã hình thành. Một số được trồng mía, số khác chưa được canh tác, dấu tích rừng còn lại là những gốc cây bị chặt, đốt nham nhở.

Khu rẫy dù có diện tích ước tính đến cả chục ha, thế nhưng nó vẫn tiếp tục được mở rộng phạm vi, bằng việc lấn chiếm rừng. Tại hiện trường, rừng giáp với ranh giới rẫy ở cả bốn phía đang bị tàn phá, bằng nhiều cách: chặt hạ, đốt, “ken” gốc, bóc vỏ,... Cây rừng ngổn ngang, cháy đen nham nhở, nhiều chỏm rừng trong tình trạng chết đứng như bị đầu độc, trơ những thân cành đã khô quắt, vô số cây rừng bị chặt dở, đẽo vỏ phía gốc...

Ông Nguyễn Công Hà thừa nhận, rừng căm xe Ninh Tây bị phá, khai thác trái phép là thực tế nhiều năm nay, do địa hình bằng phẳng, nằm gần khu dân cư. Riêng vị trí rừng bị phá gần trại chăn nuôi, do ai phá, có nằm trong ranh giới rừng của Ban không thì cần xác định tọa độ(!).

leftcenterrightdel
Nhà ở và trại chăn nuôi được dựng giữa rừng. 

Rừng căm xe Ninh Tây là rừng phòng hộ thuần loại, loài cây đặc hữu thuộc nhóm 2. Quần thể căm xe với diện tích gần 500ha tại xã Ninh Tây được xác định là quý, hiếm, trong diện cần bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài giá trị cảnh quan, phòng hộ, rừng căm xe Ninh Tây là nguồn gen quý, trong điều kiện loài cây này đang bị tận diệt, tàn phá nghiêm trọng ở nhiều nơi.

Ông Trần Minh Thu- Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi báo chí phản ánh, CCKL đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm kiểm tra, xác minh. Ngày 2/8, CCKL cũng đã làm việc với đơn vị chủ rừng là BQLRPH Ninh Hòa. Quá trình xác minh cho thấy, BQLRPH Ninh Hòa có giao khoán rừng với diện tích 257ha, thuộc tiểu khu 72, rừng phòng hộ căm xe, Ninh Tây cho ông Nguyễn Thành Công Tuấn, trú thị trấn Ba Ngòi, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa (ông Tuấn tạm trú thôn Sông Búng, xã Ninh Tây). Hợp đồng khoán rừng số 36, ngày 21/3/2017, thời gian giao khoán 5 năm. Trong số này, có 150 ha có rừng và gần 100 ha đất trống. Nội dung hợp đồng thể hiện, chủ rừng không trả tiền khoán bảo vệ hàng năm cho người nhận khoán. Đổi lại người nhận khoán được chăn nuôi dưới tán rừng. Ngày 7/4/2017, BQLRPH Ninh Hòa có văn bản cho phép ông Tuấn được dựng một trại dê trong khu vực rừng phòng hộ căm xe, thuộc địa phận Buôn Tương, xã Ninh Tây và một nhà ở cho người chăn nuôi, diện 30m2.

“Dựng trại chăn nuôi trong rừng phòng hộ và đặc biệt là cất nhà trong rừng là không được phép. Rừng mà làm sao được cất nhà” - ông Thu khẳng định.

Về hợp đồng giao khoán rừng, theo ông Thu, chủ rừng có thẩm quyền giao khoán rừng nhưng việc thực hiện phải tuân thủ quy định. Qua rà soát ban đầu, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa xác định, việc BQLRPH Ninh Hòa ký hợp đồng khoán rừng như vậy là không đúng, chưa phù hợp. Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ, về việc khoán rừng, quy định hạn mức khoán rừng cho cá nhân tối đa là 15 ha, cho hộ gia đình không quá 30 ha, thời hạn hợp đồng khoán không quá một năm. Người nhận khoán có trách nhiệm phòng chống cháy, khi rừng bị xâm hại phải báo cho chủ rừng. Người nhận khoán được chủ rừng chi trả tiền dịch vụ bảo vệ, với mức cụ thể theo từng năm. Đối tượng giao khoán rừng ưu tiên cho cá nhân, hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, cá nhân, hộ gia đình người Kinh nghèo, cư trú hợp pháp tại địa phương.

“Câu hỏi đặt ra nếu rừng giao khoán bị phá, bị cưa, bị lấn chiếm thì trách nhiệm người nhận khoán ra sao. Chúng tôi đang yêu cầu Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa làm rõ việc đó. Giờ phải kiểm tra hợp đồng xem việc giao khoán có đúng nghị định không, đúng mẫu hợp đồng không, đúng đối tượng không” - ông Thu quả quyết.

Hệ thống lại câu chuyện, thông tin từ những người có trách nhiệm cung cấp cho thấy đã có sự “vênh” nhau ở chi tiết quan trọng. Trong khi ông Nguyễn Công Hà xác nhận đã cho ông Tịnh- Phó chủ tịch UBND xã Ninh Tây “mượn” rừng. Thông tin này cũng trùng với phản ánh của người dân địa phương. Tuy vậy, theo thông tin mà ông Trần Minh Thu cung cấp, thì người được giao rừng lại là một cá nhân vãng lai, là ông Nguyễn Thành Công Tuấn(!?).


Nhóm PV