Mới đây, dư luận không khỏi bất ngờ và vô cùng căm phẫn khi biết được cơ quan chức năng vừa khởi tố bị can Phan Quốc Việt, người sáng lập đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), bắt tạm giam Phạm Duy Tuyến, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương cùng nhiều đối tượng có liên quan về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền thu lợi bất chính lên tới hàng nghìn tỉ đồng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Trước đó, Công ty Việt Á đã cung ứng kit test xét nghiệm COVID-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của hàng chục tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.
Việc cơ quan chức năng phát hiện, khởi tố vụ án, khởi tố một số bị can ở Hải Dương mới chỉ là bắt đầu. Bởi với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng với nhiều địa phương đã có quan hệ mua bán với Công ty Việt Á sẽ còn nhiều vấn đề cần tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ sai phạm để xử lý triệt để vụ án cũng như thu hồi tài sản của Nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, cả nước dồn lực vào phòng, chống dịch, vụ việc này đã làm dư luận xã hội rất hoang mang và phẫn nộ. Đây không chỉ là tiền bạc mà các đối tượng phạm tội đã “đánh cắp” niềm tin của người dân, xâm hại trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của con người.
|
|
Sản phẩm kit test nhanh của Công ty Việt Á. |
Chúng ta biết, ngay sau khi được cấp số đăng ký thì từ tháng 4/2020, Công ty Việt Á đã bắt tay vào tổ chức sản xuất bộ kit test với năng lực sản xuất khoảng 10.000 bộ/ngày, khi cần huy động có thể tăng công xuất lên 3 lần, khoảng 3.000 bộ/ngày, với mức giá 470.000 đồng/1 bộ test. Nhưng khi “mục sở thị” những hình ảnh do VTV đưa tin thì mọi người mới “giật mình” không hiểu chỉ với mấy m2 phòng sản xuất và một số công nhân có tính “thời vụ” mà Công ty Việt Á đã cho “ra lò” hàng vạn, hàng triệu bộ kit test “chất lượng” theo “tiêu chuẩn”… đúng là có “phép màu”.
Trở lại thực tế, cho đến thời điểm này đã có hàng chục địa phương mua và sử dụng với số lượng khác nhau các sản phẩm test xét nghiệm này. Kết quả điểu tra bước đầu cho thấy lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID-19 của các địa phương trên cả nước và đây là sản phẩm thuộc danh mục theo hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt chủ động cung ứng thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng sau đó Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng tư cách pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm xác nhận khống các báo giá cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất, đồng thời được giao ứng trước thiết bị, vật tư y tế tiêu thụ với số lượng lớn, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận thống nhất chi cho cán bộ lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Mấu chốt của vấn đề ở chỗ nếu thực sự sản phẩm có chất lượng, đạt yêu cầu cũng phải cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường để đưa vào được các bệnh viện, CDC các địa phương sử dụng với số lượng rất lớn và ở rất nhiều địa phương. Rõ ràng, ở đây còn nhiều khuất tất. Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới WHO chưa cấp phép thẩm định công nhận sản phẩm của Công ty Việt Á, vậy tổ chức nào, ai đã tiếp tay, “chống lưng” cho Công ty Việt Á thực hiện trót lọt “phi vụ hàng nghìn tỉ” này… Có hay không sự lập lờ, tạo thông tin thật giả lẫn lộn để các cơ quan chức năng bị “lôi kéo” vào sai phạm như vậy.
Cách mà Công ty Việt Á tạo ra nhiều thông tin trên các phương tiện truyền thông để tuyên truyền như là một “chiến tích kì diệu” mà Việt Á đã làm được trong bối cảnh dịch bệnh đang rất phức tạp thì thông tin này nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn của toàn xã hội. Tuy nhiên, phải khẳng định các nhà chuyên môn, các cơ quan chức năng thì không thể “nhầm lẫn” thông tin theo kiểu “xem bói” như vậy được, kể cả đến khi WHO đã chính thức lên tiếng về việc này, cũng chưa thấy cơ quan chức năng nào nhận lỗi và nhận trách nhiệm về mình mà vẫn là do “khách quan”, “nhầm lẫn đáng tiếc”… và đây chính là câu hỏi mà dư luận xã hội đang cần các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc điều tra làm rõ và trả lời công khai trước công luận về vụ việc này.
Phan Quốc Việt là thành viên chính nhóm nghiên cứu
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho rằng: “Bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức y tế thế giới chấp thuận”… là “tổng hợp trên báo chí”?!. Nhưng có một thực tế là, không chỉ là "tổng hợp" đăng tin trên Cổng thông tin điện tử của bộ, trên thực tế, ngày 26/4, Bộ Khoa học và Công nghệ đã gửi thông tin chính thức đến các cơ quan báo chí với thông tin đầy đủ khẳng định việc "bộ kit test xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận", qua đây cho thấy câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” là có thật!
Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh, tính cấp thiết trong phòng, chống dịch COVID-19 để Công ty Việt Á “bắt tay” với các CDC các địa phương nâng khống giá bộ test COVID-19, từ đó “móc túi” ngân sách Nhà nước với số tiền rất lớn để chia nhau là hành vi bất chấp tất cả, vô đạo đức. Bởi đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe của con người, vì vậy phải xác định đây là tột cùng của tội ác khi các đối tượng đã không từ một thủ đoạn nào miễn là có tiền để chia nhau… CQĐT đã xác định từ tháng 2 đến tháng 11/2021, CDC Hải Dương đã hợp thức kí kết và thanh quyết toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế với tổng số tiền gần 152 tỉ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương là gần 30 tỉ đồng.
Với một thời gian ngắn sản phẩm đặc thù do Bộ Y tế quản lý cấp phép, nhưng Công ty Việt Á đã bán được lượng kit rất lớn cho 62/63 tỉnh, thành phố, giá cao để có doanh thu gần 4.000 tỉ đồng chắc chắn phải có sự “tiếp tay”, giúp sức, “hậu thuẫn” của cơ quan, người có trách nhiệm, có thẩm quyền trong việc này mới trót lọt được như vậy, khi mà sản phẩm đã được nghiệm thu, được Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng nghiệm thu quốc gia đánh giá sản phẩm đạt các yêu cầu, tiêu chuẩn và Bộ Y tế cấp phép, đây được coi là niềm tự hào của doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với đó, là hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương lựa chọn mua kit test của Công ty Việt Á.
|
|
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân. |
Sự việc đã cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về lòng tham của cán bộ và “lỗ hổng” trong cơ chế. Lòng tham đã lấn át mọi quy định, nguyên tắc và cũng cho thấy khi lòng tham của cán bộ trỗi dậy họ sẵn sàng tìm mọi thủ đoạn để “lách luật” nhằm kiếm tiềm bằng mọi giá, kể cả việc sẽ bị pháp luật phát hiện và xử lý. Bên cạnh đó, những quy định của pháp luật có những “khoảng trống”, chồng chéo nhau nhưng không rõ và khó quy kết trách nhiệm khi xảy ra vi phạm.
Bên cạnh đó là trách nhiệm kiểm tra, giám sát, công tác hậu kiểm không được quan tâm đúng mức. Đặc biệt khi cán bộ “bắt tay” với doanh nghiệp để cùng làm sai để cùng “rút ruột” ngân sách Nhà nước thì càng khó khăn hơn cho việc phát hiện, xử lý sai phạm, nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng. Để không có những vụ việc tham nhũng, tiêu cực thì công tác tổ chức, cán bộ phải rất được quan tâm, vai trò nêu gương của người đứng đầu cũng như tuân thủ các nguyên tắc làm việc trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan đơn vị của mình thì phải chịu trách nhiệm không được né tránh, đổ lỗi.
Và, trước hết để giữ lại chút liêm xỉ và danh dự thì những ai tay đã trót “nhúng chàm” hãy chủ động xin từ chức trước khi bị pháp luật “sờ gáy”. Bởi khi sự thật về những ác quỷ mang bộ mặt “thiên thần” lộ sáng thì ác quỷ hiện nguyên hình là ác quỷ không còn đường trốn chạy nữa.