Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, kết quả thi hành án dân sự năm 2022 (từ tháng 1/10/2021 - 30/9/2022), hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong hơn 530.000 vụ việc (tăng 44.000 so với cùng kỳ). Tổng số tiền đã thi hành xong là hơn 75.000 tỉ đồng (đạt tỉ lệ 45,42%).

Trong đó, khoản nợ của các tổ chức tín dụng đã thi hành xong trên 6.000 vụ việc, thu được hơn 22.000 tỷ đồng.

Với khoản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 1.900 vụ việc, thu được gần 16.000 tỉ đồng (tăng hơn 290% so với cùng kỳ).

Đại diện Bộ Tư pháp cho hay, thời gian tới sẽ tích cực tổ chức thi hành các vụ án tham nhũng, kinh tế để thu hồi tối đa cho tài sản Nhà nước.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên và chấp hành viên phối hợp  để đẩy nhanh hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

Kết quả công tác thi hành án dân sự liên quan các vụ án tham nhũng, kinh tế, đạt được kết quả như trên là do có nhiều thay đổi đột biến trong việc thi hành.

Trước kia, cùng một vụ án phải thi hành nhưng phải chia thành nhiều cấp bởi tài sản ở các địa phương khác nhau, nhất là các vụ về tín dụng, ngân hàng. Nhưng từ đầu năm 2022, đơn vị đã hướng dẫn các địa phương đồng loạt triển khai theo hướng dẫn chung để có kết quả tốt.

Mặt khác, Bộ Tư pháp cũng phối hợp chặt hơn với UBND các tỉnh, thành phố để phối hợp thu hồi tài sản. Trước mỗi vụ việc, Tổng cục Thi hành án dân sự gửi tên từng đương sự đến các tỉnh để kiểm tra tài sản che giấu và đã phát hiện rất nhiều tài sản để thu hồi.

Về những khó khăn trong thu hồi, theo đại diện Bộ Tư pháp, tội phạm thường rất tinh vi, có nhiều thủ đoạn gian manh và đã có sự chuẩn bị trước cho các hậu quả xảy ra. Ví dụ, trước khi phạm tội, họ đã tẩu tán tài sản cho người khác đứng tên. Một bất cập là chưa có Luật Đăng ký tài sản và người thân của người có chức vụ chưa phải kê khai tài sản nên khó để thu hồi. Một khó khăn khác là nhiều bản án khi tuyên không rõ ràng, chỉ dựa vào kê khai của đương sự.

Cũng theo thông tin từ Bộ Tư pháp, trong Quý III năm 2022, Bộ Tư pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 7 Đề án do Bộ Tư pháp trình. Bộ Tư pháp có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 04/04 theo Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành 55/55 nhiệm vụ được giao.

Công tác thẩm định được Bộ Tư pháp thực hiện bảo đảm đúng quy định của Luật ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao, đồng thời bảo đảm thời hạn thẩm định theo quy định, bảo đảm tiến độ soạn thảo, trình VBQPPL của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 36 đề nghị xây dựng VBQPPL, dự án, dự thảo VBQPPL, gồm: 5 đề nghị xây dựng VBQPPL (4 đề nghị xây dựng luật, 1 đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội) và 31 dự án, dự thảo VBQPPL (7 dự án luật, 15 dự thảo nghị định của Chính phủ, 9 dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

 

Hồng Vân