Ngày 7/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố 2 vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Đinh Bá Hổ (SN 1953, ngụ xã Tân An, huyện Tân Hiệp) và Phan Văn Còn (SN 1982, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang) về tội “giết người” .
|
|
Bị can Đinh Bá Hổ tại cơ quan Công an và số tang vật. |
Để bảo vệ ruộng bắp (ngô) của mình khỏi bị chuột phá hoạt, tối ngày 3/8, bị can Đinh Bá Hổ đã giăng một đoạn dây chì dài hàng chục mét xung quanh rồi kết nối vào lưới điện 220v của gia đình để bẫy diệt chuột.
Đến sáng hôm sau ngày 4/8, Hổ mới ngắt điện, trong lúc Hổ đang ăn cơm thì nghe người dân truy hô có người chết ngoài ruộng bắp của mình nên đi ra xem, thì phát hiện anh Tạ Quốc Huy (SN 2008, là hàng xóm) bị chết dưới mương nước nơi Hổ giăng dây chì cắm điện bẫy chuột. Khi biết hành vi dùng điện bẫy diệt chuột của mình vừa gây ra tại họa lớn, nên Hổ liền cuốn dây chì đem cất, sau đó đến Công an đầu thú.
|
|
Bị can Phan Văn Còn tại cơ quan Công an cùng số tang vật. |
Cũng với hành vi tương tự, vào khoảng 19h ngày 3/8, bị can Phan Văn Còn mang bộ kích điện và bình ắc quy ra ruộng rồi kết nối vào đoạn dây chì dài hơn 100 mét, Còn bao quanh ruộng lúa của mình để bẫy chuột rồi đi vô nhà. Khoảng 20 phút sau Còn ra coi thì phát hiện anh Trình Thanh Tuấn (SN 1994, ngụ cùng địa phương) nằm bất động dưới ruộng lúa, tay nạn nhân còn nắm vào đường dây chì mà Còn giăng bẫy chuột. Còn liền tắt bộ kích điện lại xem thì xác định nạn nhân đã chết nên đến Công an xã đầu thú.
Thượng tá Trần Minh Thế - Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang cho biết hành vi sử dụng điện 220V để diệt chuột mặc dù mang lại hiệu quả trong bảo vệ mùa màng nhưng lại đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng của bản thân người sử dụng bẫy điện và của người khác khi không may vướng vào bẫy. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, khi xảy ra sự cố, làm chết người thì người giăng bẫy điện tùy vào từng trường hợp, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội vô ý làm chết người.
Những vụ việc trên là lời cảnh báo về tình trạng sử dụng bẫy điện diệt chuột để bảo vệ mùa màng gây nguy hiểm chết người đã bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên với suy nghĩ dùng điện bẫy chuột sẽ cho hiệu quả cao, tốn ít công sức so với các phương pháp khác nên 1 số người dân vẫn cố tình sử dụng. Hành vi sử dụng điện để chống trộm, bẫy chuột... không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Trong bất cứ tình huống nào, nếu gây thương tích hoặc làm chết người, người sử dụng bẫy điện diệt chuột đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc như trên, yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương cần tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở nhân dân tuyệt đối không sử dụng biện pháp bẫy chuột bằng điện để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.