Liên tục các vụ vỡ nợ hàng trăm tỷ vẫn chưa đủ cảnh báo

Dư luận tại TP Đà Nẵng cảm thấy khá “sốc”, khi bà Phạm Thị Tuyết Hằng (SN 1987, trú tại số nhà 6-8 đường Cẩm Nam 4, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) mất khả năng trả nợ với số tiền đã vay lên đến hơn 151 tỷ đồng.

Biết bà Hằng không có tiền trả nợ, nhiều người sau khi tập trung tại nhà bà này để đòi nợ không được đã làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng tại TP Đà Nẵng.

leftcenterrightdel
Bà Hằng mất khả năng trả nợ đối với số tiền 151 tỷ đồng đã vay của nhiều người 

Điều đáng nói, trong số những chủ nợ của bà Hằng có người cho bà nay vay số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Chính bà Hằng cũng thừa nhận rằng, trong một thời gian ngắn bà đã vay tiền của hàng chục người, người ít thì vài ba tỷ, còn người cho vay nhiều lên đến hàng chục tỷ đồng. Đến nay bà chưa thể nhớ và thống kê hết số tiền đang nợ cụ thể nhưng bà ước tính đang nợ hơn trăm tỷ đồng. Số tiền bà Hằng vay của 11 người sau khi được thống kê lên đến 151 tỷ đồng.

Biết bà Hằng không có khả năng trả nợ nhiều chủ nợ của bà Hằng trở nên suy sụp, thậm chí trong lúc “vây” nhà bà Hằng để đòi nợ có chủ nợ đã lên cơn co giật ngất xỉu phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Bà Hằng không phải là người đầu tiên trên địa bàn các tỉnh miền Trung vay mượn của nhiều người số tiền lớn sau đó tuyên bố mất khả năng trả nợ trong vài năm trở lại đây.

Tại Thừa Thiên Huế, trong năm 2019, cơ quan chức năng đang tiếp nhận đơn tố cáo của nhiều người về việc bà Trần Thị Như Ý (trú đường Trần Phú, TP Huế) vay mượn tiền của nhiều người nhưng chưa trả được. Thống kê sơ bộ, cơ quan chức năng xác định bà Ý đang vay mượn của nhiều người với số tiền hơn 50 tỷ đồng, trong đó có người cho bà Ý vay đến hơn 14 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
Cho vay mượn hơn 14 tỷ đồng chỉ bằng một tờ giấy viết tay đơn giản 

Còn tại Quảng Trị, năm 2018, Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố, bắt tạm giam đối với Trần Thị Nhàn (32 tuổi, trú phường Đông Lương, TP Đông Hà) về hành vi vay hàng trăm tỷ đồng của nhiều người sau đó tuyên bố mất khả năng thanh toán. Số tiền mà bà Trần Thị Nhàn vay mượn của nhiều người lên đến khoảng 400 tỷ đồng.

Tương tự tại Quảng Bình, tháng 1/2019, Công an tỉnh Quảng Bình đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Hoàng Thị Kim Liên (SN 1991, trú tổ dân phố 8, phường Đồng Phú, TP Đồng Hới) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng nhiều cách, bà Liên đã vay của nhiều người số tiền 64 tỷ đồng.

Chiêu cũ, nhiều người vẫn sập bẫy

Trở lại với vụ vỡ nợ hơn trăm tỷ đồng tại TP Đà Nẵng, bà Phạm Thị Tuyết Hằng đã vay mượn của nhiều người số tiền lớn với lãi suất từ 6-9%/ngày, tiền lãi bà trả hàng ngày. Bà Hằng cho biết, số tiền này bà tiếp tục cho một số người khác vay để hưởng lãi chênh lệch từ 0,2-0,4%.

leftcenterrightdel
 Hoàng Thị Kim Liên ở Quảng Bình và Trần thị Nhàn ở Quảng Trị đã vay mượn của nhiều người số tiền hàng trăm tỷ đồng trước khi bị khởi tố

Vậy tại nhiều người lại cho bà Hằng vay mượn số tiền lớn như vậy?. Thực tế, bà Hằng lấy vỏ bọc là một người đầu tư BĐS, đầu tư vào trường mầm non nên các chủ nợ tin tưởng cho bà Hằng vay tiền để “làm ăn” và nhận tiền lãi trên số tiền vay hàng ngày. Thời gian đầu bà Hằng luôn trả lãi cho các chủ nợ đúng hạn thậm chí còn tặng quà đắt tiền để tạo sự yên tâm tin tưởng cho các chủ nợ cho đến khi tuyên bố vỡ nợ.

Tương tự như bà Hằng, sở dĩ nhiều người tại TP Đông Hà, Quảng Trị cho bà Trần Thị Nhàn vay nhiều tỷ đồng bởi bà này hứa trả lãi suất cao 6-12% mỗi tháng với lý do vay mượn là cần tiền để đầu tư nhà đất, kinh doanh, đáo hạn ngân hàng.

Tại Thừa Thiên Huế cũng vậy, bà Trần Thị Như Ý là chủ một shop chuyên kinh doanh quần áo trẻ em. Lý do bà này đưa ra để vay tiền là do đầu tư vào bất động sản nên cần rất nhiều tiền và kêu gọi mọi người góp vốn vào. Bà này hứa cứ góp 1 tỷ đồng thì sẽ được trả 70 triệu đồng/tháng.

leftcenterrightdel
Vụ vỡ nợ 151 tỷ tại Đà Nẵng vẫn đang được cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ 

Cũng với lý do góp tiền cùng kinh doanh làm ăn, Hoàng Thị Kim Liên ở Quảng Bình đã vay được 64 tỷ đồng. Liên dùng cách thức góp tiền vào cổ phần và hưởng lợi nhuận phần trăm theo giá trị từng hóa đơn dầu rồi viết giấy vay mượn tiền và hẹn thời gian trả để tạo niềm tin cho người giao tiền.

Rút lại các vụ vay nợ tiền hàng chục, hàng trăm tỷ nói trên có thể thấy người vay tiền trước hết luôn tạo sự tin tưởng cho người cho vay với chiêu thức “cần tiền làm ăn, kinh doanh”. Người cho vay tiền sẽ dễ dàng “xiêu lòng” trước những mức lãi suất cao ngất ngưởng mà người vay đưa ra. Bằng cách trả lãi cao và đầy đủ thời gian đầu người vay sẽ câu “con mồi” lún sâu hơn, cho vay nhiều hơn cho đến khi người vay tuyên bố vỡ nợ hoặc mất khả năng thanh toán hay bị khởi tố hình sự.

Hầu hết các vụ vỡ nợ, bỡ hụi đều do các nạn nhân vì quá ham lãi suất cao, sẵn sàng đưa cả tỷ đồng, thậm chí đi vay để cho vay. Thiết nghĩ, qua các vụ lừa đảo và vỡ nợ nói trên, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tuyên truyền khuyến cáo cho người dân để tránh những sự việc đáng tiếc khác có thể xảy ra. 

Xuân Nha